Chiến lược dân số của Việt Nam tập trung vào duy trì mức sinh thay thế

Chiến lược dân số đã đưa ra các giải pháp cần tập trung thực hiện để khắc phục khó khăn, giải quyết những thách thức hướng tới nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới. 

Nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho sản phụ và em bé sau sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho sản phụ và em bé sau sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tạo ra những lợi thế to lớn cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội; phân bố dân số đã hợp lý hơn; chất lượng nguồn nhân lực, chỉ số phát triển con người ngày càng được cải thiện; tuổi thọ bình quân người Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu Chiến lược dân số bền vững đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người, đòi hỏi Việt Nam tiếp tục các giải pháp nâng cao chất lượng dân số bền vững trong thời gian tới.

Công tác dân số còn nhiều thách thức

Trong những năm qua, công tác dân số luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và coi đó là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền; xu thế mức sinh giảm đã xuất hiện ở nhiều khu vực; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già; Tỉ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục...

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 trong đó đặt ra 8 mục tiêu cụ thể phát triển dân số bền vững đến năm 2030. Đặc biệt, đáng chú ý mục tiêu 1 và 8 của Chiến lược đã định hướng rõ mục tiêu phát triển trong duy trì cân bằng mức sinh thay thế và thích ứng với già hóa dân số.

Theo Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, mục tiêu 1 nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản; giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn.

Mục tiêu 8 nhằm thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; khoảng 70% người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất. 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Giải pháp thực hiện chiến lược dân số bền vững

Với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số…, Chiến lược dân số đã đưa ra các giải pháp cần tập trung thực hiện để khắc phục khó khăn, giải quyết những thách thức hướng tới nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân số với việc đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Đồng thời, ban hành các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn, tình hình thực tiễn của bộ, ngành, địa phương.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc; bảo đảm hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của người dân trong thực hiện chính sách dân số; đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật Dân số trình Quốc hội theo hướng điều chỉnh toàn diện, đồng bộ các nội dung về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số, phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Tích cực hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các dự án Luật khác, các chiến lược, chương trình, đề án đã phân công tại Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết TW 21.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả các chương trình thể dục, thể thao rèn luyện, nâng cao sức khỏe; các chương trình dinh dưỡng, sữa học đường nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam; phát triển mạng lưới chăm sóc người cao tuổi đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng theo các cấp độ khác nhau.

Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu về dân số và phát triển, đưa nội dung này là một trong những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ cấp quốc gia; chú trọng nghiên cứu, cung cấp bằng chứng phục vụ hoạch định chính sách, biện pháp thực hiện các mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số; Tăng cường chia sẻ, phổ biến và phối hợp thực hiện các nghiên cứu khoa học...

Năm là, bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số, tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu: Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đẩy mạnh việc đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ cộng đồng, doanh nghiệp, tư nhân cho công tác dân số. Ngân sách nhà nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho triển khai toàn diện công tác dân số và thực hiện chính sách đối với các đối tượng được nhà nước chi trả; bố trí các chương trình, dự án về dân số vào kế hoạch, chương trình đầu tư công; Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cho công tác dân số. Có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, phân phối, cung cấp các phương tiện, dịch vụ trong lĩnh vực dân số.

Sáu là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số.

Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết TW 21, tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ, nội dung công tác dân số trong tình hình mới; Tập trung đẩy mạnh, tăng cường độ và nâng cao hiệu quả các hoạt động tuyên truyền giáo dục về dân số và phát triển.

Tám là, chủ động, tích cực hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dân số; tham gia đầy đủ, có trách nhiệm các diễn đàn đa phương, song phương, các tổ chức quốc tế, khu vực về dân số và phát triển; tăng cường vận động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi, tài trợ nước ngoài để thực hiện nhanh, hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược và mục tiêu dân số của SDGs 2030; đầu tư sản xuất phương tiện, trang thiết bị và cơ sở cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực dân số; Đẩy mạnh hợp tác về chuyên môn, kỹ thuật, đào tạo và hợp tác trao đổi chuyên gia, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục