Chiến lược của nước Nga ở Trung Đông gồm những mục tiêu gì?

Những kế hoạch ông Putin triển khai ở Trung Đông nói chung và Syria nói riêng đã khiến Nga trở thành yếu tố mà các đồng minh của Mỹ buộc phải tính đến trên khía cạnh an ninh quốc gia.
Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc tuần tra chung với Nga trên tuyến đường M4 nối Latakia và Aleppo của Syria ngày 15/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc tuần tra chung với Nga trên tuyến đường M4 nối Latakia và Aleppo của Syria ngày 15/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, cùng với một số quốc gia, Nga và Trung Quốc đang thách thức vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Thế giới đơn cực do Mỹ dẫn đầu đang dần chuyển sang một thế giới đa cực. Hiện thực này có thể thấy được rõ rệt nhất tại Trung Đông, nơi Moskva và Bắc Kinh cạnh tranh với Mỹ không chỉ về quyền lực quân sự và chính trị mà còn trên cả phương diện quyền lực mềm là sức mạnh kinh tế.

Quyền lực của Mỹ xói mòn rõ rệt nhất qua những rạn nứt trong các liên minh, những quốc gia đã vỡ mộng bởi hàng loạt chiến lược của cường quốc này. Từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Mỹ đẩy mạnh quyền lực, cả cứng và mềm, ở khu vực Trung Đông rộng lớn.

Tuy nhiên, Mỹ, ngay cả khi chưa nói đến gánh nặng địa chính trị tại Iraq, bị hạn chế cả về thời gian và không gian bởi xung đột giữa các đồng minh, càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thúc đẩy một chính sách toàn diện tại Trung Đông.

Xung đột và căng thẳng giữa người Kurd-Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar-Saudi Arabia, Qatar-Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập-Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria-Morocco, Israel-Jordan, và Liban-Israel đã cản trở đáng kể các chiến lược và kế hoạch ngoại giao tổng thể của Mỹ trong khu vực.

Nói cách khác, không một chiến lược Trung Đông nào có thể vận hành trong những điều kiện đầy rủi ro đến như thế này, những bối cảnh bị chi phối bởi sự thù địch, các tranh cãi lịch sử và các lo ngại về an ninh quốc gia.

Trên thực tế, sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003, Nga đã tìm cách chứng minh sự thực là Mỹ thiếu khả năng tập hợp các lực lượng đồng minh tại Trung Đông, cũng như kiềm chế các cuộc xung đột và căng thẳng trong khu vực.

Chính sách này của Nga, bắt nguồn từ chiến lược toàn cầu nhằm khôi phục vai trò trung tâm trong các vấn đề quốc tế và ảnh hưởng sâu rộng, vừa là hệ quả, vừa là sự tiếp nối của những gì mà Nga vốn xem là nỗ lực của Mỹ nhằm đe dọa sự ổn định thế giới và cản trở Nga.

[Nga - "Ngư ông đắc lợi" trong cuộc khủng hoảng Mỹ-Iran]

Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích sự thâu tóm của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu cũng như việc NATO bành trướng tại vùng Baltic, lên án Mỹ gây bất ổn ở Trung Đông.

Có vẻ như Tổng thống Putin đang hiện thực hóa tuyên bố giành lại vị thế toàn cầu cho nước Nga. Những kế hoạch ông triển khai ở Trung Đông nói chung và Syria nói riêng đã khiến Nga trở thành yếu tố mà các đồng minh của Mỹ buộc phải tính đến trên khía cạnh an ninh quốc gia.

Thổ Nhĩ Kỳ, lo ngại về chủ nghĩa dân tộc và xét lại của người Kurd, đã phải làm việc với Nga để bình ổn Syria. Người Kurd, bất an trước các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria, đã tìm kiếm sự bảo vệ của Nga trước cả Ankara và chế độ Syria. Liban chào đón sự hiện diện của Nga bằng việc hoàn tất thỏa thuận với doanh nghiệp dầu mỏ quốc doanh Rosneft, nhằm phát triển và vận hành các hạ tầng dầu mỏ ở thành phố Tripoli phía Bắc đất nước.

Nga cũng đang giúp bảo vệ đường biên giới Syria-Liban bằng việc ngăn lực lượng nổi dậy tại Liban Tripolitan Islamist hậu thuẫn phe đối lập Syria. Đổi lại, Liban cũng tìm cách gia tăng vị thế của Nga để chống lại ảnh hưởng của Iran ở trong nước.

Lo ngại về làn sóng biểu tình mới chống chế độ cầm quyền độc đoán, về lực lượng thánh chiến Salafi đến Sinai từ Syria và về những rắc rối nảy sinh khi Thổ Nhĩ Kỳ can dự cuộc nội chiến Libya, Ai Cập đã phải nâng cấp mối quan hệ quân sự và chính trị với Nga.

Việc Israel ký một thỏa thuận với Nga để đảm bảo Moskva không những sẽ hỗ trợ đảm bảo đường biên Israel-Syria mà còn để ngăn Iran xây dựng căn cứ quân sự ở phía Bắc Syria cũng bắt nguồn từ những lo ngại về Tehran và lực lượng ủy nhiệm Hezbollah.

Chiến lược của nước Nga ở Trung Đông gồm những mục tiêu gì? ảnh 1Hai tàu chiến trang bị tên lửa hành trình Kalibr của Nga được điều tới Địa Trung Hải. (Nguồn: missiledefenseadvocacy.org)

Cùng lúc đó, Moskva và các nước vùng Vịnh không ngừng củng cố quan hệ kinh tế xã hội. Giới chức vùng Vịnh cho rằng việc siết chặt mối quan hệ này sẽ là đối trọng với quan hệ hợp tác chiến lược Nga-Iran.

Trong chuyến công du đầu tiên tới Saudi Arabia và UAE từ năm 2007, diễn ra vào tháng 10/2019, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh mong muốn xây dựng quan hệ mạnh mẽ hơn với các nước Arab vùng Vịnh để trấn an các quốc gia này về mối liên minh với Tehran.

Rõ ràng, Nga đang nỗ lực để có tiếng nói trong bàn cờ địa chính trị Trung Đông, một kế hoạch bắt nguồn từ sự bất ổn, chủ nghĩa phe phái và thù địch giữa Iran-Saudi Arabia. Moskva vừa ủng hộ các bên đối địch, vừa tìm cách thể hiện mình như một nhân tố thúc đẩy ổn định.

Đổi lại, Nga ngày càng thu về nhiều nhượng bộ quân sự và chính trị. Chắc chắn điều mà Nga hướng đến là mục tiêu toàn cầu nhằm thu hẹp quyền bá chủ của Mỹ bằng cách đảm bảo cho mình một vị thế không thể thay thế và một tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, không chỉ ở Trung Đông.

Cho đến nay, có vẻ như các nỗ lực của Nga đang dần thu về những thành quả nhất định bởi Washington vẫn chưa thể thúc đẩy một chiến lược toàn diện nhằm củng cố sức mạnh của hệ thống liên minh đang đầy rạn nứt.

Quan trọng hơn, Mỹ nhiều khi hành xử như một thẩm phán, thay vì với tư cách một siêu cường trong việc giám sát các diễn biến tại một khu vực đặc biệt nguy hiểm, nơi các nhân tố luôn hành xử một cách ngang ngược và bốc đồng.

Không khó để cho rằng Nga đang từng bước thâm nhập vào Trung Đông trong khi tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực ngày càng phai nhạt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục