Nội các Thái Lan vừa thông qua Chiến lược 20 năm ngành cao su giai đoạn 2016-2036 nhằm nâng cao năng xuất và thu nhập của nông dân.
Chiến lược này, do Cơ quan Quản lý Cao su Thái Lan (RAOT) đề xuất, có 5 mục tiêu cụ thể để đạt được vào năm 2036.
Mục tiêu thứ nhất là giảm 21% diện tích các đồn điền cao su, từ 3,73 triệu hectare năm 2016 xuống 2,94 triệu hécta.
["Ngành cao su cần nắm bắt tiến bộ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4"]
Mục tiêu thứ hai, tăng 60% sản lượng trung bình lên 360 kg/1.600 m2 (0,16 hectare) so với mức 224 kg/1.600 m2 năm 2016.
Thứ ba, tăng 65% thu nhập trung bình của nông dân, từ 11.984 baht/1.600 m2 năm 2016 lên 19.800 baht/1.600m2.
Mục tiêu thứ tư, tăng giá trị xuất khẩu cao su tự nhiên và các sản phẩm làm từ cao su từ 250 tỷ baht năm 2016 lên 800 tỷ baht mỗi năm.
Mục tiêu thứ năm là nâng tỷ lệ sử dụng cao su nội địa từ mức 13,6% lên mức 35% tổng sản lượng cao su mỗi năm.
Thái Lan là nước sản xuất và xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu thế giới, chiếm tới 40% nguồn cung toàn cầu.
Tuy nhiên, người trồng cao su ở quốc gia Đông Nam Á này đã phải vật lộn với tình trạng giá cả xuống thấp trong những năm qua, do sự suy giảm nhu cầu toàn cầu.
Thời gian qua, Thái Lan đã đẩy mạnh những nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu cao su sau khi cắt giảm xuất khẩu trong 4 tháng từ cuối tháng 5/2019 đến cuối tháng 9/2019 theo kế hoạch của các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới nhằm khôi phục giá toàn cầu.
Để giải quyết vấn đề giá cao su trong ngắn hạn, Chính phủ Thái Lan mới đây đã tung ra chương trình đảm bảo giá nhằm giúp đỡ người trồng cao su.
Đã có 1,7 triệu nông dân đăng ký tham gia chương trình với RAOT, với tổng diện tích trồng cao su là hơn 2,75 triệu hectare. Để có thể tham gia chương trình, cây cao su phải có ít nhất 7 năm tuổi.
Trước đó, Nội các Thái Lan đã thông qua một khoản ngân sách trị giá 24,278 tỷ baht (798 triệu USD) dành cho giai đoạn đầu của chương trình trợ cấp thu nhập đối với người trồng cao su.
Chương trình này, được đưa ra nhằm đảm bảo nông dân trồng cao su có thu nhập ổn định trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 10/2019 cho đến tháng 3/2020.
Đợt trợ cấp đầu tiên được tiến hành trong tháng10-11/2019, trong khi đợt thứ hai vào giữa tháng12/2019-1/2020 và đợt thứ ba vào tháng 2-3/2020.
Ngoài ra, RAOT đang làm việc với các cơ quan chính phủ liên quan để đưa ra những dự án nhằm thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm cao su ở trong nước và nước ngoài, đồng thời giảm lượng cao su tồn kho.
Theo quyền Giám đốc RAOT Sunan Nuanphromsakul, cơ quan này đặt mục tiêu cung cấp các khoản vay cho những doanh nghiệp chế biến cao su muốn đầu tư vào máy móc và nhà xưởng mới sản xuất các sản phẩm cao su có giá trị cao như găng tay cao su, săm lốp xe hơi và cao su chuyên dụng.
Cao su chiếm 1,82% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan, với giá trị 4,6 tỷ USD trong năm 2018. Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm tới 43% lượng cao su xuất khẩu của Thái Lan với giá trị 1,9 tỷ USD. Các thị trường lớn khác bao gồm Đông Nam Á, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc./.