Ngày 8/7, chiến dịch vận động tranh cử kéo dài 9 ngày tại Singapore đã kết thúc. Các chính đảng sẽ tạm nghỉ trong 9/7, chuẩn bị để hơn 2,65 triệu cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 10/7.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, đây là kỳ vận động tranh cử đặc biệt trong lịch sử đảo quốc này, với "trận địa" trực tuyến là chủ đạo do dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát. Các kênh truyền hình, báo chí cùng những nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube,… được các đảng tận dụng triệt để nhằm tiếp cận cử tri.
Mặc dù vậy, những hoạt động vận động tranh cử trực tiếp trên thực địa vẫn được tổ chức rộng rãi. Do quy định hạn chế tập trung đông người nhằm ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan, ứng cử viên các đảng chỉ có thể đi theo nhóm nhỏ không quá 5 người, trực tiếp gặp gỡ cử tri, phát tờ rơi, giới thiệu bản thân và vận động cử tri bỏ phiếu cho đảng của họ.
Với lợi thế đảng cầm quyền, các ứng viên đảng Hành động Nhân dân (PAP) của Thủ tướng Lý Hiển Long đưa ra những cam kết cụ thể hơn để thu hút phiếu bầu, ví dụ như sẽ xây thêm trụ sở hội đồng mới, đẩy nhanh các dự án hạ tầng đang ngưng trệ, xây dựng thêm các khu vui chơi giải trí, cải tạo và nâng cấp các khu nhà ở do nhà nước xây dựng...
Trên thực tế, ưu tiên hàng đầu của PAP vẫn là khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19 và tạo công ăn việc làm cho người dân. Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh, Singapore đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có và chính phủ mới cần có sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân để có thể dẫn dắt đất nước vượt qua khó khăn.
[Các cách chính trị gia Singapore vận động tranh cử thời COVID-19]
Thủ tướng Lý Hiển Long cũng cho biết, nếu được bầu chọn, ông sẽ tiếp tục cùng các thành viên đảng PAP đưa Singapore vượt qua khủng hoảng hiện nay và sẽ chuyển giao cho thế hệ lãnh đạo mới một đất nước Singapore “nguyên vẹn, hoạt động tốt”. Tuyên bố này cho thấy nếu PAP tiếp tục chiến thắng, ông Lý Hiển Long sẽ đảm nhận vị trí Thủ tướng cho đến năm 70 tuổi như nhà lãnh đạo này từng đề cập.
Các đảng đối lập, trong đó đáng chú ý là 3 đảng tranh cử nhiều ghế gồm đảng Công nhân (WP), đảng Singapore Tiến bộ (PSP) và đảng Dân chủ Singapore (SDP) cũng hoạt động tích cực, dù không gian mạng không phải là thế mạnh của họ.
Các đảng đối lập tập trung xoáy sâu vào những vấn đề còn tồn đọng trong đời sống xã hội như giá cả leo thang, khoảng cách giàu nghèo, hiện tượng phân biệt đối xử trong xã hội hay những sai sót trong công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại các khu lao động nước ngoài của chính quyền hiện nay.
Với đặc trưng tranh cử trực tuyến, Đạo luật chống thao túng và tung tin giả trực tuyến (POFMA) cũng đã được kích hoạt nhiều lần trong những ngày qua. Đảng Tiếng nói Nhân dân (PVP) và đảng SDP đã được yêu cầu đính chính thông tin sai lệnh trên Facebook và Youtube. Kênh truyền hình chính thống CNA và một số tờ báo, trang mạng khác cũng được yêu cầu cải chính thông tin liên quan tới phát biểu của Chủ tịch đảng SDP Paul Tambyah về vấn đề xử lý đại dịch COVID-19.
Hiệu quả của chiến dịch vận động tranh cử năm nay sẽ được thể hiện qua lá phiếu của cử tri vào ngày 10/7 tới. Trước chiến dịch tranh cử, kết quả khảo sát trực tuyến do Viện Nghiên cứu Chính sách, Đại học Quốc gia Singapore phối hợp với Công ty Blackbox Research thực hiện đầu tháng 4/2020 cho thấy có tới 53% cử tri đang phân vân và 47% đã chắc chắn lựa chọn đảng mình ủng hộ. Tỷ lệ cử tri chưa đưa ra được quyết định cao hơn mức 43% của năm 2015.
Trong khi đó, trong số những người đã có quyết định bỏ phiếu, chỉ 33% cho biết họ chắc chắn ủng hộ đảng PAP cầm quyền, 33% vẫn còn dao động nhưng nghiêng về đảng PAP, 20% lưỡng lự và nghiêng về đảng đối lập, 14% khẳng định chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho đảng đối lập./.