Theo trang mạng thediplomat.com, trong lúc đám cháy hoành hành, những tin đồn và thông tin sai lệch cũng đã lan truyền rộng rãi.
Chỉ 9 tháng trước, trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc bầu cử liên bang, dường như Australia đã bị chia rẽ giống bất cứ thời điểm nào khác trong những năm gần đây.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã giành được lá phiếu của "những người Australia trầm lặng" với cam kết bảo vệ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, trong khi Công đảng giành chiến thắng tại các thành phố với lời hứa sẽ đưa ra hành động quyết định ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhưng hiện nay, khi các đám cháy rừng đã thiêu rụi hơn 12 triệu hécta, cướp đi sinh mạng của ít nhất 26 người, khiến hơn 1 tỷ động vật bị thương vong và phá hủy khoảng 2.000 ngôi nhà, người Australia đã đoàn kết bằng cách vượt lên trên sự trung thành đối với một đảng phái chính trị.
Tuy nhiên, khi tìm kiếm thông tin qua các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook và Reddit, bạn có thể bị dẫn đến việc tin vào những câu chuyện khác, vì những lời dối trá và thông tin sai về các vụ cháy rừng đã lan nhanh như chính các đám cháy.
Tiến sỹ Timothy Graham, giảng viên về phân tích mạng xã hội tại Đại học Công nghệ Queensland đã đánh giá 1.340 tweet của 315 tài khoản sử dụng hashtag (từ khóa đính kèm) #arsonemergency.
Sử dụng một công cụ phát hiện "bot" trên Twitter, tiến sỹ Graham nhận thấy khoảng 1/3 số tài khoản này bộc lộ hành vi tự động và không trung thực và kết luận rằng có khả năng một chiến dịch thông tin sai lệch có sự phối hợp đang diễn ra.
Các hashtag xuất phát từ ý tưởng rằng cuộc khủng hoảng cháy rừng thảm khốc ở Australia là lỗi của hành động cố ý gây hỏa hoạn chứ không phải do biến đổi khí hậu. Sự thực là theo số liệu của cảnh sát, khoảng 24 người đã bị bắt vì bị cáo buộc bắt đầu phóng hỏa trong mùa cháy rừng năm nay, nhưng nhiều tweet đã tuyên bố rằng khoảng 200 kẻ chủ mưu đốt rừng đã bị bắt chỉ ở riêng bang New South Wales.
Các tweet khác đã tuyên bố rằng những "kẻ khủng bố sinh thái" cánh tả phải chịu trách nhiệm về thảm họa cháy rừng dữ dội này.
Tiến sỹ Graham cho rằng động lực thúc đẩy những nỗ lực này thường không làm thay đổi ý kiến của mọi người về vụ cháy rừng, nhưng sẽ gieo mối bất hòa và phóng đại những căng thẳng đã tồn tại trong các vấn đề chính trị mâu thuẫn giữa các đảng phái.
"Các thuyết âm mưu (bao gồm cả việc cố ý đốt rừng là nguyên nhân chính của các vụ hỏa hoạn) phản ánh sự ngờ vực ngày càng tăng về ý kiến của giới chuyên môn khoa học và sự hoài nghi của truyền thông," tiến sỹ Graham nói với tờ The Guardian.
"Đây là tất cả những yếu tố chính trong cuộc chiến toàn cầu chống tin giả.... Có vẻ như Australia đã tham gia chiến trường đó bất chấp hậu quả, ít nhất là cho đến lúc này."
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy vấn đề môi trường đang tụt lại đằng sau các vấn đề kinh tế và sức khỏe trong số những mối quan tâm lớn nhất của Australia. Mùa cháy rừng hiện nay đã làm trầm trọng thêm những lo ngại về tình trạng ấm lên trên toàn cầu; khơi lại cuộc tranh luận diễn ra trong thời gian bầu cử - liệu có nên tiếp tục dựa vào nhiên liệu hóa thạch hay theo đuổi hành động bảo vệ môi trường.
Mặc dù có một luồng thông tin chính xác liên tục và ổn định từ những đội trưởng đội cứu hỏa và các chuyên gia khí hậu, thông tin sai lệch thậm chí đã tìm được đường đến các tờ báo quốc gia và các kênh phát thanh-truyền hình.
Tờ The New York Times đã cáo buộc công ty truyền thông lớn nhất của Australia, News Corp, và chủ sở hữu của nó là Rupert Murdoch đã cố gắng tác động đến cuộc tranh cãi bằng cách lập luận rằng các vụ hỏa hoạn năm nay không tệ hơn so với trong quá khứ - một lời khẳng định đã được các thành viên trong chính phủ bảo thủ nhắc đi nhắc lại và các nhà khoa học về khí hậu nói rằng điều đó không đúng sự thật.
Cùng thời điểm tiến sỹ Graham công bố nghiên cứu của ông, tờ báo quốc gia The Australian của News Corp đã đăng một câu chuyện nhắc lại rằng "những kẻ cố ý phóng hỏa" phải chịu trách nhiệm về vụ cháy rừng và tuyên bố "180 đối tượng bị cáo buộc đốt rừng đã bị bắt giữ."
Sự gia tăng tin giả đã khiến Cảnh sát bang Victoria đưa ra một tuyên bố: "Hiện tại không có thông tin tình báo nào cho thấy các vụ cháy rừng ở Đông Gippsland và khu vực Đông Bắc là do hành vi cố ý phóng hỏa hoặc bất kỳ hành vi đáng ngờ nào khác."
[Australia: Không có mối liên hệ giữa cháy rừng và biến đổi khí hậu]
Các tờ báo của News Corp cũng bị cáo buộc đã cố gắng che giấu những câu chuyện về các vụ cháy rừng. Như tờ The New York Times đưa tin, tờ Melbourne's Herald Sun đã đẩy tin tức về các vụ cháy rừng xuống trang 4 vào đêm Giao thừa 2020, ngay cả khi ngọn lửa đã đe dọa tàn phá các thị trấn ở gần đó và làm lan khói dày đặc vào thành phố Melbourne.
Một câu chuyện phổ biến khác được chia sẻ trên mạng xã hội là "những người yêu môi trường" hay các nhà bảo vệ môi trường đã đổ lỗi cho việc đóng cửa các công viên quốc gia và ngăn chặn việc giảm thiểu rủi ro và quản lý nhiên liệu.
Một tài khoản có vài nghìn người theo dõi đã tweet: "Không phải là 'hàng chục kẻ đốt phá rừng' mà là hàng trăm!" Các nhà hoạt động khí hậu đang kích động trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm làm gia tăng nỗi sợ hãi về biến đối khí hậu. Họ nên bị tống giam cùng với các chính trị gia của đảng Xanh, những người đã kích động họ!"...
Đáp lại tờ The New York Times, News Corp cho biết: "Tin tức mà chúng tôi đưa đã công nhận Australia đang có một cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu và cách đối phó với nó. Tuy nhiên, vai trò của những kẻ chủ mưu đốt rừng và các chính sách có thể góp phần làm đám cháy lan rộng đã hợp pháp hóa những câu chuyện đó"./.