Chiến dịch tái chiếm Sirte vấp phải sự phản kháng quyết liệt từ IS

Quân chính phủ Libya đang "tiến từng bước" nhằm hạn chế thương vong trước khi có thể tái chiếm Sirte, bởi các tay súng IS có thể sử dụng dân thường làm lá chắn sống.
Lực lượng trung thành với Chính phủ Lybia trong chiến dịch truy quét phiến quân IS tại thành phố Sirte ngày 14/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sáu tháng sau khi đẩy nhanh cuộc tấn công nhằm giải phóng thành phố Sirte từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các lực lượng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) vẫn đang vấp phải sự phản kháng quyết liệt từ các tay súng IS tại thành phố ven Địa Trung Hải này.

Người phát ngôn của lực lượng ủng hộ GNA, ông Rida Issa thừa nhận "cuộc tấn công cuối cùng nhằm tiêu diệt IS đang được đẩy mạnh song có một thực tế là các tay súng nhóm khủng bố này đang quyết tâm bảo vệ những vị trí cuối cùng của chúng."

Theo ông Issa, quân chính phủ đang "tiến từng bước" nhằm hạn chế thương vong trước khi có thể tái chiếm Sirte, bởi các tay súng IS có thể sử dụng dân thường làm lá chắn sống.

Quan chức này cho biết thêm con số thương vong bên phía IS ước vào khoảng 1.800-2.000 tên.

Hôm 9/11, quân đội Mỹ thông báo nối lại chiến dịch không kích IS tại thành phố Sirte sau một tuần gián đoạn nhằm hỗ trợ các lực lượng của GNA.

Đánh giá về kết quả chiến dịch giải phóng Sirte, ông Ethan Chorin, từng là nhà ngoại giao Mỹ và hiện là cố vấn ở Tripoli, cho rằng nguyên nhân khiến chiến dịch chưa thành công, dù có sự hỗ trợ của không quân Mỹ, là các cuộc tấn công không được tổ chức tốt.

Còn nhà phân tích Mattia Toaldo, thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận xét "dù các tay súng IS đang bị bao vây trong một khu vực rộng chưa đến 1km2, song cuộc chiến kéo dài hơn dự kiến, do sự kháng cự ác liệt của IS đồng thời kéo theo sự mệt mỏi."

Chuyên gia này còn cảnh báo rằng trong trường hợp xấu nhất, IS có thể bắt giữ dân thường làm lá chắn sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục