Chiến dịch diệt giặc dốt - bài học mẫu mực về xây dựng xã hội học tập

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó “chiến dịch diệt giặc dốt” đóng vai trò quan trọng thứ hai, chỉ sau diệt giặc đói.
Chiến dịch diệt giặc dốt - bài học mẫu mực về xây dựng xã hội học tập ảnh 1Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu thanh niên xung phong vào tháng 1/1967. (Ảnh: Thế Trung/TTXVN)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là mốc son đánh dấu sự ra đời của một nước Việt Nam mới. Đây cũng là dấu mốc lịch sử quan trọng của nền giáo dục Việt Nam, mở đầu cho việc học của toàn dân một nước độc lập, nêu lên một bài học mẫu mực về xây dựng "xã hội học tập."

Từ lời kêu gọi diệt giặc dốt

Ngay sau khi Tuyên bố độc lập (2/9/1945), nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã đứng trước một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Nền dân trí sau hàng trăm năm dưới ách đô hộ của thực dân phong kiến khiến hơn 95% dân số mù chữ. Toàn dân đứng trước nguy cơ phải hứng chịu một nạn đói mới sau nạn đói khủng khiếp làm hàng triệu người chết, đối mặt với họng súng của "thù trong giặc ngoài."

Đứng trước tình hình "ngàn cân treo sợi tóc" như vậy, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đúng nguy cơ của từng loại kẻ thù, trong đó kiên quyết diệt giặc dốt.

Theo thống kê, vào thời điểm đó, cứ 3.245 trẻ em mới có một trường học mà cứ 1.000 dân thì có một nhà tù.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức sâu sắc rằng “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.” Nếu dân không biết đọc, không biết viết thì làm sao người dân có thể nắm được thông tin Cách mạng, làm sao thực hiện được quyền dân chủ.

Chính vì vậy, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó “chiến dịch diệt giặc dốt” đóng vai trò quan trọng thứ hai, chỉ sau diệt giặc đói. Khi dân trí được nâng cao sẽ tạo tiền đề, mở lối cho những tư tưởng cách mạng thấm nhuần vào quần chúng, tôn thêm nền móng vững chãi để chính quyền non trẻ vượt qua những thử thách sống còn.

Chiến dịch chống nạn mù chữ chính thức được phát động từ ngày 8/9/1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra các sắc lệnh: Sắc lệnh số 17 thành lập Nha Bình dân học vụ và đặt ra quy định bình dân học vụ trên toàn đất nước; Sắc lệnh số 19 quy định mọi làng phải mở lớp học bình dân, trong đó thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối; Sắc lệnh số 20 nêu rõ việc học chữ quốc ngữ là bắt buộc và không mất tiền.

Để phục vụ chiến dịch xóa mù chữ, Nha Bình dân học vụ chính thức ra đời ngày 18/9/1945. Khóa huấn luyện cán bộ bình dân học vụ đầu tiên mang tên Hồ Chí Minh đã mở tại Hà Nội.

Ngày 4/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi “chống nạn thất học” gửi tới toàn thể quốc dân đồng bào. Người nhấn mạnh: “…Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học.”

Đến phong trào Bình dân học vụ

Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào Bình dân học vụ nhanh chóng được triển khai, lan rộng và ăn sâu vào từng thôn xóm, bản làng.

Bình dân học vụ trở thành một phong trào nhân dân thực sự với những hình thức tổ chức hết sức linh động, thích nghi với điều kiện sinh hoạt của nhân dân lao động.

Người học bao gồm đầy đủ các thành phần xã hội, từ trẻ em đến thanh niên, phụ nữ và cả các cụ già. Giáo viên là thầy giáo dạy ở các trường học, là cán bộ các ngành, là học sinh, bộ đội, từ mọi tầng lớp nhân dân và cả những người vừa thoát nạn mù chữ, ai đọc thông viết thạo đều có thể trở thành giáo viên Bình dân học vụ. Lớp học là trụ sở của các trường phổ thông, các cơ quan chính quyền, doanh trại quân đội, nhà của người dân, đình, chùa…

Sau một ngày lao động mệt nhọc, những người mặc áo nâu đi chân đất lại thắp đuốc, cầm đèn, cắp sách đi tìm con chữ trong những căn nhà lá đơn sơ. Khắp mọi xóm thôn vang lên tiếng đọc đánh vần. Cứ như vậy, việc học được nhân lên trong từng nhà và lan ra tới cả những không gian bên ngoài lớp học bình dân.

Việc học được mọi người nhận thức và thực thi như một nghĩa vụ dưới nhiều hình thức có một không hai trong lịch sử dân tộc: Trẻ chăn trâu tập viết dưới đất, bảng chữ cái được đặt dưới gốc cây gần ruộng làng để mọi người ra đồng có thể đọc vần, còn trước cổng chợ cũng treo mấy con chữ làm đề thi sát hạch, ai không đọc được thì phải quay về hoặc chui rạp mình qua cây tre, thậm chí thanh niên còn phải lội vòng qua ruộng mà vào chợ…

Nhờ đó, chỉ một năm sau ngày phát động phong trào Bình dân học vụ, đã có 75.000 lớp học được tổ chức với sự tham gia của 95.000 giáo viên; trên 2,5 triệu người đã biết đọc, biết viết (dân số lúc đó là 22 triệu người).

Đến khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ trên toàn quốc ngày 19/12/1946, sự nghiệp chống giặc dốt của nhân dân Việt Nam vẫn tiếp tục, không ngừng nghỉ. Các lớp học đi theo đồng bào tản cư kháng chiến, đi theo các đoàn dân công tiếp vận.

Trong thư gửi anh chị em bình dân học vụ nhân dịp phát động phong trào thi đua ái quốc và kỷ niệm ngày Độc lập 2/9/1948, Bác Hồ chỉ rõ hướng đi tiếp theo của bình dân học vụ: “Trong phong trào thi đua ái quốc, tôi mong các bạn cũng hăng hái xung phong. Vùng nào còn sót nạn mù chữ thì các bạn cố gắng thi đua diệt cho hết giặc dốt trong một thời gian mau chóng. Vùng nào đã hết nạn mù chữ thì các bạn thi đua để tiến lên một bước nữa, bằng cách dạy cho đồng bào: Thường thức vệ sinh, để dân bớt ốm đau; Thường thức khoa học, để bớt mê tín nhảm; Bốn phép tính để làm ăn quen ngăn nắp; Lịch sử và địa dư nước ta (vắn tắt bằng thơ hoặc ca) để nâng cao lòng yêu nước; Đạo đức của công dân, để trở thành người công dân đứng đắn.”

Như vậy, phong trào Bình dân học vụ đã được nâng lên một bước, không chỉ dạy cho dân biết đọc, biết viết mà còn phải dạy cho đồng bào kiến thức khoa học thường thức, nâng cao dần trình độ dân trí.

Người còn nhắc nhở mọi người, mọi đoàn thể phải đoàn kết, đồng tâm hiệp lực thì mục tiêu “Tất cả đồng bào Việt Nam từ 8 tuổi trở lên đều biết đọc, biết viết” sẽ hoàn thành thắng lợi.

Được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ, phong trào Bình dân học vụ ngày càng phát triển. Từ 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ năm 1946, tới năm 1948 là 6 triệu người và đến năm 1952 là 10 triệu người. Chiến dịch xóa nạn mù chữ cơ bản được hoàn thành.

Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất, những bài học kinh nghiệm từ phong trào Bình dân học vụ đã được vận dụng linh hoạt trong từng giai đoạn phát triển nhằm xây dựng xã hội học tập cũng như thực hiện công cuộc đổi mới nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục