Chiến dịch bóc gỡ mã độc trên không gian mạng: Bước đầu thành công

Sau gần 20 ngày triển khai chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc 2020,” hơn 100.000 máy tính nhiễm mã độc đã được hỗ trợ xử lý...
(Ảnh minh họa)

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Việt Nam (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, việc triển khai chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” đã bước đầu cho thấy hiệu quả.

3 triệu địa chỉ IP nằm trong "danh sách đen"

Theo đại diện Cục an toàn thông tin, Việt Nam hiện có khoảng 16 triệu địa chỉ IPv4, trong đó khoảng 3 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong danh sách đen của nhiều tổ chức quốc tế; 2 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong các mạng máy tính ma (botnet) lớn.

Theo nghiên cứu của Bkav, tổng thiệt hại do virus máy tính gây ra tại Việt Nam trong năm 2019 là 20.000 tỷ đồng.

Hai năm trở lại đây, nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, chỉ số an toàn, an ninh mạng của Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt, tăng 50 hạng so với năm 2017. Tuy vậy những con số trên mới chỉ thể hiện được một phần trong bức tranh toàn cảnh về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam. 

Vì vậy ngày 17/9 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức phát động chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020.” Chương trình hướng tới mục tiêu dài hạn là bảo đảm an toàn cho người dùng trên không gian mạng Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước cùng tham gia chiến dịch. (Ảnh chụp màn hình)

Với mục tiêu vì cộng đồng, hướng tới cá nhân, doanh nghiệp, “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” sẽ được triển khai trên diện rộng. Theo đó, các đơn vị triển khai cung cấp các công cụ kiểm tra, xử lý và bóc gỡ mã độc. Những phần mềm phòng chống mã độc sẽ được cập nhật, cho phép sử dụng miễn phí qua website https://khonggianmang.vn.

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, chương trình sẽ được chia làm ba giai đoạn.

Chiến dịch này được thực hiện đồng bộ tại tất cả các tỉnh, thành phố, từ cấp địa phương đến cấp trung ương, thông qua hệ thống đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; các ngân hàng thương mại cổ phần, các tổ chức tài chính.

Cuộc chiến với hàng triệu mã độc

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin cho biết, những chỉ thị của Chính phủ chủ yếu tác động đến khối cơ quan hành chính sự nghiệp hay doanh nghiệp nhà nước còn lại số lượng máy tính sử dụng trong cơ quan tổ chức, doanh nghiệp còn rất nhiều và tỷ lệ lây nhiễm mã độc tại các hệ thống đó góp phần tạo ra tình trạng lây nhiễm mã độc ở trạng thái cao.

Chính vì vậy, việc triển khai chiến dịch rà soát, bóc gỡ này đặt mục tiêu giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc, giảm 50% địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong 10 mạng botnet phổ biến, đưa Việt Nam ra khỏi báo cáo của các hãng về tỷ lệ lây nhiễm mã độc trong khoảng thời gian nhất định.

Theo NCSC, tại thời điểm cuối tháng 9/2020, qua gần 2 triệu lượt tiếp cận đến cộng đồng qua cả web và mạng xã hội, nhiều cá nhân, tổ chức đã tham gia truy cập, rà soát và bóc gỡ miễn phí cho hàng ngàn máy tính của cá nhân, doanh nghiệp bị nhiễm mã độc/ botnet. Cùng với đó, đã có hàng trăm lượt chia sẻ, phản hồi tích cực được gửi về NCSC. 

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đặc biệt, tính đến cuối tháng 9/2020, trên toàn quốc đã có hơn 300.000 lượt tham gia rà quét mã độc. Tổng số máy tính bị lây nhiễm mã độc được các đơn vị tham gia chiến dịch phát hiện và hỗ trợ bóc gỡ là hơn 100.000 máy, chiếm gần 1/3 tổng số máy được rà soát.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết: "So với tình hình nhiễm mã độc tại Việt Nam, con số này còn quá nhỏ bởi vì theo một nghiên cứu, riêng năm 2019 đã có hơn 85 triệu lượt máy tính nhiễm mã độc tại Việt Nam."

Tuy nhiên, chiến dịch lần này đã nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức, tập đoàn và các hãng bảo mật lớn ở trong và ngoài nước nhằm lan tỏa hiệu quả cũng như lợi ích đến người dùng Internet Việt Nam.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách mảng chống mã độc của Bkav cho hay đơn vị này cũng cung cấp công cụ phần mềm là phần mềm diệt virus miễn phí Bkav Home, người sử dụng có thể tải phần mềm này trên trang khonggianmang.vn.

"Khi người sử dụng truy cập cổng thông tin này sẽ nhận được các hướng dẫn ví dụ như kiểm tra xem máy tính của mình có bị nhiễm mã độc hay không," ông Sơn nói.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Quân, Quyền Giám đốc Trung tâm An toàn thông tin VNPT cho biết: "Tập đoàn VNPT mong muốn tạo ra quá trình chuyển đổi số và không gian số an toàn cho các doanh nghiệp. Chúng ta có một không gian an toàn thì mới có thể chuyển đổi số thành công cũng như bảo vệ dữ liệu của chính mình.

Chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” bước đầu có thể coi là thành công tuy nhiên vẫn chưa đạt được mức lan tỏa đến tất cả người dùng Internet Việt Nam như kỳ vọng.

Hiện tại, vẫn còn một số hạn chế như có quá nhiều người phản hồi và gửi câu hỏi trong khi nhân sự có hạn nên chưa hỗ trợ giải đáp thắc mắc liên tục 24/7. Cơ sở dữ liệu cần được mở rộng để rà soát mã độc triệt để hơn trong giai đoạn sau...

Đặc biệt, để hỗ trợ công tác đo lường kết quả triển khai chiến dịch cũng như tạo thuận tiện cho mọi người theo dõi, trên trang web https://khonggianmang.vn/chiendich2020, NCSC vừa cho ra mắt bản đồ thời gian thực về kết quả rà soát mã độc theo vùng trên lãnh thổ Việt Nam và biểu đồ thực trạng triển khai chiến dịch theo các khu vực Bắc – Trung – Nam.

Từ các số liệu được hiển thị trên bản đồ, biểu đồ, người xem có thể biết được tương quan số máy tính nhiễm mã độc được rà soát, bóc gỡ giữa các vùng, địa phương; qua đó phần nào nắm được kết quả của chiến dịch rà soát và bóc gỡ mã độc quy mô lớn đang được NCSC cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng triển khai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục