“Chiến dịch 50 ngày đêm” và câu chuyện vươn lên top 1 của Bình Phước

Từ địa phương xếp ở vị trí thứ 47 của cả nước về kết nối cổng dịch vụ quốc gia, chỉ sau “50 ngày đêm,” Bình Phước đã vươn lên vị trí số 1, đồng thời đứng thứ 2 về cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử.
“Chiến dịch 50 ngày đêm” và câu chuyện vươn lên top 1 của Bình Phước ảnh 1Trung tâm Điều hành và Giám sát thông minh (IOC) tỉnh Bình Phước đã trở thành công cụ, cầu nối hiệu quả giữa chính quyền và người dân. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Bình Phước đang tạo nên “cơn địa chấn” trong cải cách thủ tục hành chính. Từ địa phương xếp ở vị trí thứ 47 của cả nước về kết nối cổng dịch vụ quốc gia, chỉ sau “50 ngày đêm,” Bình Phước đã vươn lên vị trí số 1, từ tỉnh chưa thực hiện được một chứng thực điện tử cấp bản sao từ bản chính thành công, sau thời gian trên đã vươn lên vị trí thứ 2 cả nước.

“Chiến dịch 50 ngày đêm”

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính. Trong tháng 3/2021, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo phải đẩy mạnh hơn nữa giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, giải quyết hồ sơ đúng thời hạn theo quy định, không để hồ sơ nợ đọng, gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp.

Để cụ thể hóa chỉ đạo trên của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 31/3/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch 108/KH-UBND để triển khai với 3 nội dung và đặt thời hạn thực hiện là 50 ngày, từ 31/3-19/5/2021 phải hoàn thành.

Ba mục tiêu chính Bình Phước đặt ra gồm: 100% dịch vụ công trực tuyến kết nối trên cổng dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ, thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn, không có hồ sơ trễ hạn; khắc phục ngay khó khăn, vướng mắc để thực hiện cung ứng dịch vụ chứng thực điện tử.

“Nói chiến dịch 50 ngày đêm bởi để thực hiện kế hoạch trên, nhiều cán bộ từ tỉnh đến huyện đã làm việc không ngừng nghỉ, cả ngày lẫn đêm, thứ 7, Chủ nhật, thậm chí ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Trong đó, việc kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia, lần đầu tiên Bình Phước thay đổi thứ hạng ngoạn mục, từ vị trí 47/63 tỉnh, thành, đến ngày 16/5, tỉnh đã xếp hạng cao nhất cả nước,” bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết.

[Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy cải cách thủ tục, thực hiện cơ chế một cửa]

Theo bà Trần Tuyết Minh, trước đây, Bình Phước chưa làm được bất cứ hồ sơ nào về chứng thực điện tử. Tuy nhiên, chỉ sau “50 ngày đêm,” tỉnh đã vươn lên đứng thứ 2 cả nước về cung cấp dịch vụ này với trên 1.400 hồ sơ chứng thực điện tử thành công.

Ngoài ra, từ việc giải quyết hồ sơ trễ hạn chiếm đến 10% số hồ sơ về dịch vụ công, sau “chiến dịch 50 ngày đêm,” tới 17 giờ ngày 16/5, cổng dịch vụ công của Bình Phước ghi nhận chỉ còn 0,21% hồ sơ trễ hạn. “Quyết tâm đến 17 giờ ngày 17/5, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn sẽ là 0%,” bà Trần Tuyết Minh khẳng định.

Chuyển sang xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, thành công trong thực hiện “chiến dịch 50 ngày đêm” đã tạo được bước chuyển quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử, chuẩn bị bước sang giai đoạn chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Trước ngày 19/5/2020, tỉnh Bình Phước bắt đầu công bố tiếp nhận hồ sơ trên môi trường mạng. Thời điểm này, tỷ lệ hồ sơ trên môi trường mạng chỉ khoảng 12%.

Tuy nhiên, khi Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh công bố tiếp nhận hồ sơ trên môi trường mạng từ ngày 19/5/2020, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận bắt đầu tăng nhanh.

“Chiến dịch 50 ngày đêm” và câu chuyện vươn lên top 1 của Bình Phước ảnh 2Hoạt động giám sát được thực hiện chi tiết thông qua kết nối cơ sở dữ liệu từ các lĩnh vực: y tế, giáo dục, giao thông… (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

"Nếu như theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, cuối năm 2020, cả nước đạt tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua mạng là 30% thì tỉnh Bình Phước đã tăng lên 33%. Hiện nay, tỷ lệ này đã tăng đột biến lên 50% trên tổng số hồ sơ dịch vụ công của toàn tỉnh, trong đó, dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 được giải quyết trên môi trường mạng chiếm 99%. Qua đó cho thấy việc chuyển dịch từ môi trường vật chất truyền thống lên môi trường mạng đang có bước chuyển biến mạnh mẽ hơn bao giờ hết," ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin-Truyền thông Bình Phước cho biết.

Theo ông Quang, giai đoạn 2021-2026, Bình Phước xác định 3 trụ cột phát triển đó là xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Tất cả các hoạt động của chính quyền và hồ sơ của công dân, doanh nghiệp phải số hóa, đưa lên môi trường số. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu kinh tế số sẽ chiếm 20% GRDP trên địa bàn.

Bà Trần Tuyết Minh cho rằng, để đạt được mục tiêu xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn vào năm 2025, Bình Phước lựa chọn những lĩnh vực người dân và doanh nghiệp đang cần ưu tiên chuyển đổi trước, với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ.

“Những gì người dân và doanh nghiệp cần sẽ ưu tiên chuyển đổi trước, trong đó một số mô hình, địa phương, doanh nghiệp được lựa chọn làm thí điểm sau đó triển khai nhân rộng,” bà Trần Tuyết Minh cho biết.

Dự kiến Bình Phước triển khai 5 mô hình thí điểm chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, các cấp chính quyền và người dân. Tỉnh ưu tiên chuyển đổi sang môi trường số với 9 lĩnh vực, trong đó có quản lý đất đai, dân cư, y tế, giáo dục, giao thông, môi trường, nông nghiệp nông thôn…

Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2026 cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Trong đó, các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn ra trên không gian mạng, trên môi trường số và dữ liệu số. Các giao tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp cơ bản diễn ra trên không gian mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục