Chiến đấu với đại dịch COVID-19: Cần tìm đến 'khoa học mềm'

Nghiên cứu khoa học là điều cần thiết để ứng phó với các thách thức hiện nay và giúp người ta hiểu rõ cách thức COVID-19 lây lan cũng như làm thế nào để ngăn chặn chúng.
Biển hiệu khuyến khích người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 21/2/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng scmp.com đưa tin không có gì ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới nhấn mạnh việc tuân thủ các khuyến cáo và chỉ dẫn khoa học là yếu tố then chốt để đối phó với đại dịch COVID-19.

Tuần trước, đáp trả một nhóm lái xe tải bài vaccine tham gia biểu tình tại Ottawa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói: “Các bạn không thể chấm dứt đại dịch bằng việc phong tỏa hay chặn đường… Bạn cần phải chấm dứt nó bằng khoa học.”

Ngày 13/2, Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga trấn an dư luận rằng “lựa chọn khoa học” chính là làm theo chiến lược “Không COVID-19 linh hoạt” (dynamic zero-COVID) của chính quyền để đối phó với dịch bệnh tại Hong Kong.

Nghiên cứu khoa học là điều cần thiết để ứng phó với các thách thức hiện nay và giúp người ta hiểu rõ cách thức COVID-19 lây lan cũng như làm thế nào để ngăn chặn chúng.

[Số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 toàn cầu có chiều hướng giảm]

Các nghiên cứu khoa học đã giúp ích cho việc phát triển vaccine và các mũi tiêm tăng cường, mở ra hy vọng chấm dứt đại dịch và cứu sống vô số sinh mạng.

Nghiên cứu khoa học cũng hứa hẹn đem đến những tiến bộ y tế thậm chí còn giá trị hơn trong tương lai, như thuốc điều trị COVID-19 giúp giảm nguy cơ nhập viện và tử vong cho những người phơi nhiễm các biến thể chết người của loại virus này.

Tuy nhiên, liệu khoa học có thực sự chỉ rõ cho chúng ta những điều cần phải làm hay không? Câu trả lời không hề đơn giản.

Trên khắp thế giới, các chính phủ vận dụng nhiều chiến lược khác nhau để đối phó với đại dịch, từ thúc đẩy giải pháp miễn dịch cộng đồng và chung sống với dịch bệnh cho tới các chính sách “Không COVID-19.”

Tất cả các chính sách này đều có sự hậu thuẫn nhất định của giới khoa học. Tuy nhiên, chính sách nào là hữu hiệu nhất thực tế lại không phải là câu hỏi thuộc về lĩnh vực sinh học hay hóa học. Đây là những câu hỏi về “khoa học mềm” - là khoa học xã hội và con người.

Khoa học xã hội tập trung vào việc hiểu, dự đoán con người cũng như hành vi của họ. Khác với “khoa học cứng” như hóa học, sinh học và vật lý, khoa học xã hội lại tìm đáp án cho những câu hỏi liên quan đến việc con người có thể làm gì và nên làm gì với COVID-19.

Nếu không có cái nhìn cụ thể, cân nhắc dựa trên khoa học xã hội, các chính sách chỉ đi theo sự dẫn đường của khoa học “cứng” có thể dẫn tới những kết quả không mong muốn.

Bằng cách nghiên cứu con người và hành vi của họ, các nhà khoa học xã hội có thể dự đoán, chẳng hạn như sự gia tăng của các nhóm bài vaccine trong các xã hội phương Tây và mức độ do dự về tiêm chủng ở Hong Kong.

Các câu hỏi quan trọng khác, như liệu mọi người sẽ ủng hộ hay không khuyến khích việc xét nghiệm tự nguyện dựa trên chính sách cách ly của chính phủ đối với những người có kết quả dương tính với COVID-19, chỉ có thể được giải đáp một cách hiệu quả bằng các nghiên cứu về con người trong xã hội.

Đây không phải là vấn đề mà các nhà nghiên cứu sinh học dù là giỏi nhất có thể giúp ích. Dịch tễ học, nghiên cứu về sức khỏe và bệnh dịch trong dân số, từ đó tích hợp các phương pháp nghiên cứu từ cả khoa học “cứng” như sinh học và khoa học xã hội.

Nhưng dịch tễ học không phải là lĩnh vực quan trọng duy nhất mà người ta cần xem xét.

Nghiên cứu giáo dục là một lĩnh vực quan trọng khác của khoa học xã hội vốn bị đánh giá thấp trong cuộc chiến chống COVID-19 - cũng như trước nhiều thách thức khác, chẳng hạn như biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu giáo dục là lựa chọn phù hợp nhất để hiểu lý do tại sao mọi người do dự tuân thủ khoa học và lý do tại sao người ta chống lại lời khuyên của chuyên gia về tiêm chủng hoặc các chính sách khác.

Nghiên cứu giáo dục có thể giúp chúng ta hiểu cách tốt nhất để đảm bảo rằng những thảm họa như hiện nay chúng ta đang đối mặt - về bản chất là con người cũng như khoa học - sẽ không tái diễn.

Tâm lý học có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hiểu các động cơ đằng sau hành vi của con người, cách thúc đẩy các hành vi lành mạnh nhất và tác động của các biện pháp cách ly khác nhau đối với tinh thần và tình cảm của con người.

Ngay cả các môn khoa học nhân văn như triết học cũng có thể có giá trị nhất định trong việc ứng phó với đại dịch.

Triết học là bộ môn có thể trả lời câu hỏi chúng ta “nên làm gì” với tư cách cá nhân và xã hội.

Triết học có thể giúp con người cân nhắc các giá trị cạnh tranh và các nguyên tắc đạo đức, chẳng hạn như những gì liên quan đến nhu cầu bảo tồn sinh mạng, đạo đức trong cuộc chiến chống COVID-19 thông qua việc can thiệp vào tự do cá nhân và lợi ích của tự do học thuật, điều có thể giúp các học giả khác nhau chia sẻ quan điểm về những thách thức phải đối mặt.

Cùng với lịch sử, triết học có thể giúp con người phản ánh một cách nghiêm túc những gì đã diễn ra trong quá khứ và hậu quả của các hành động và sự kiện đó, nhằm tìm kiếm con đường tốt nhất hướng về phía trước.

Giới chức Hong Kong nằm trong số những chính quyền đi đầu thế giới về tài trợ cho các nghiên cứu học thuật - một yếu tố thu hút nhiều học giả tài năng từ khắp nơi trên thế giới đến thành phố này.

Hội đồng Tài trợ Nghiên cứu Hong Kong khuyến khích nghiên cứu tập trung vào những tác động xã hội từ các thách thức hiện tại, trong đó có cả COVID-19.

Tuy nhiên, hầu hết các chương trình nghiên cứu được chính quyền tài trợ hầu hết lại ưu tiên các ngành khoa học cứng.

Trong các chương trình này, các học giả vận dụng các phương pháp từ nghiên cứu giáo dục, tâm lý học hoặc lịch sử thường không được khuyến khích.

Các nhà triết học và các nhà lý luận chính trị, văn hóa khác phần lớn cũng khó nhận được sự ủng hộ trong các chương trình tài trợ quan trọng.

Kết quả là, chúng ta có một nền văn hóa nghiên cứu sôi động ở Hong Kong, nhưng lại là nơi các học giả trong các ngành khoa học “mềm” đôi khi có thể cảm thấy “chạnh lòng.”

Khoa học về khí hậu quan trọng nhưng sẽ rất đáng buồn khi chúng ta không được giáo dục về nó, thậm chí học hoặc suy nghĩ về những gì chúng ta nên làm đối với biến đổi khí hậu từ góc độ xã hội.

Khoa học nghiên cứu về đại dịch là điều quan trọng, nhưng xét ở những góc độ nào đó, khoa học xã hội, yếu tố có thể giúp con người có được những phản ứng có ý nghĩa nhất, lại không được để tâm.

Con người cần khoa học mềm và nhân văn, chứ không chỉ khoa học cứng, trong cuộc chiến chống COVID-19 vẫn đang tiếp diễn này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục