Chiến công trên đồi A1 của Anh hùng Chu Văn Mùi

Ba ngày đêm kiên cường bám trụ tại đồi A1 chỉ với 1 khẩu tiểu liên, chiến sỹ Chu Văn Mùi đã hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo giữ liên lạc thông suốt giữa các đơn vị.
Các chiến sỹ xung kích tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Tại căn nhà hai tầng rộng rãi ở thôn Hà Thượng, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên (Bắc Giang), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Chu Văn Mùi năm nay đã 87 tuổi, mái tóc bạc phơ nhưng giọng nói vẫn ấm áp và đầy tự hào khi kể cho chúng tôi nghe về những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó những kỷ niệm sâu sắc nhất là trận đánh trên đồi A1.

Trong không khí sục sôi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 3/7/1949, ông Chu Văn Mùi nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội cối 120 ly thuộc Tiểu đoàn 38, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 - Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ đó cho đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Chu Văn Mùi đã tham gia chiến đấu ở nhiều chiến dịch như Cao Bắc Lạng, Biên giới, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào...

Tham gia các trận chiến ở nhiều cương vị khác nhau như chiến sỹ nuôi quân, chiến sỹ thông tin dây, chiến sỹ trợ chiến..., bất kỳ công việc nào, hoàn cảnh nào, ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp trên khen thưởng và như ông nói là "Làm tròn bổn phận của người chiến sỹ."

Năm 1952, ông tham gia lớp vô tuyến đầu tiên của Cục Thông tin liên lạc mở và trở về làm đài trưởng đài vô tuyến của đơn vị. Từ đây, ông đảm nhiệm vai trò của một người chiến sỹ thông tin ở đơn vị trong các trận đánh lớn.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi Sư đoàn 312 nổ súng đánh địch ở đồi Him Lam đánh trận mở màn, tổ thông tin của ông được giao bám theo Trung đoàn 102 chặn tiếp viện địch từ Mường Thanh ra để Trung đoàn 88 đánh đồi Độc Lập, các cứ điểm 206, 208...

Từng tham gia nhiều trận đánh ở Điện Biên, nhưng ông nhớ rõ nhất là trận đánh trên đồi A1 diễn ra trong hai ngày ba đêm bắt đầu từ ngày 31/3/1954. Khi đó, ông là tiểu đội trưởng, phụ trách 5 máy thông tin của đơn vị.

Tối 31/3, đại đội chủ công đánh trên đồi A1 bị thương vong nhiều; điện thoại, vô tuyến từ đại đội trưởng đến tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn bị mất liên lạc. Đồng chí Chính trị viên tiểu đoàn gọi về giao Chu Văn Mùi phải hoàn thành nhiệm vụ nối thông liên lạc từ máy của đại đội trưởng tới trung đoàn, sư đoàn.

Ông cùng đồng đội của mình là Đàm Văn Đức đã chạy theo đường dây liên lạc theo đột phá khẩu do bộ binh mở thì thấy đứt nhiều phần. Lúc này, pháo sáng dù trên đồi của địch bắn liên tục, bầu trời rực sáng, dọc đoạn đường gần 200m lên đỉnh đồi, các chiến sỹ của ta gặp rất nhiều khó khăn khi tiến lên do gặp phải hỏa lực mạnh của địch.

Chu Văn Mùi gọi điện báo để pháo của quân ta bắn yểm hộ cho ông tiến vào trung tâm trận địa Mường Thanh. Lên đến đỉnh đồi A1 ông rẽ trái đi khoảng hơn 100m và gặp được Đại đội trưởng Lâm Viết Hữu ở dưới giao thông hào để nối thông liên lạc.

Kết nối thông tin thông suốt với đại đội trưởng đã được báo cáo ngay về Sư đoàn 308, Sư đoàn 316, Trung đoàn 174. Đêm hôm đó, địch tổ chức tấn công hai đợt lên đồi A1 nhưng nhờ có được thông tin báo nên quân ta đã đánh bật hết quân địch.

Khoảng 7-8 giờ ngày 1/4/1954, địch cho hai đại đội đánh lên trên đồi, lúc này đại đội của anh Lâm Viết Hữu chỉ còn vài người. Từ thông tin cấp báo của Chu Văn Mùi "Có hai khách hàng dắt hai con bò húc quán càphê" (tức là có hai đại đội địch cùng hai xe tăng đang tiến lên ngã ba), pháo binh của quân ta đã hướng hỏa lực bắn vào đội hình địch làm một chiếc bị đứt xích, một chiếc lao vọt lên được đỉnh đồi cũng bị chiến sỹ ta bắn cháy.

Đêm 1/4 rạng ngày 2/4/1954, đồng đội Đàm Văn Đức đã hy sinh, Chu Văn Mùi chỉ với khẩu tiểu liên đã kiên cường bám trụ và đảm bảo giữ liên lạc thông suốt giữa các đơn vị.

Khoảng 2 giờ chiều 2/4/1954, Chu Văn Mùi nhận được lệnh phải gặp cho bằng được Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 Hùng Sinh để nối liên lạc. Lúc này Chu Văn Mùi sau ba ngày đêm kiên cường bám trụ đã gần như kiệt sức.

Tình huống gấp gáp đã khiến Chu Văn Mùi phải uống một bát nước tiểu của mình. Chờ cho lại sức, ông lao về phía chân đồi cách đó khoảng 100m và tìm được đồng chí Hùng Sinh.

Đường dây liên lạc giữa Trung đoàn 102 với Sở chỉ huy đã được thiết lập lại. Đúng lúc này, đài thông tin Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã thông báo tin Chu Văn Mùi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi và tặng thưởng Huân chương chiến sỹ hạng Nhất...

Với những chiến công của mình, ngày 31/8/1955, ông Chu Văn Mùi đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng Chu Văn Mùi tâm sự: "Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, qua những trận đánh tiêu diệt địch tại đồi Độc Lập, Him Lam và Bản Kéo, xuất hiện những tấm gương vô cùng dũng cảm, anh hùng như Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót. Những tấm gương cao cả đó đã cổ vũ, thôi thúc tôi cũng như các chiến sỹ tham gia chiến dịch quyết tâm hoàn thành thật tốt nhiệm vụ."

Sau nhiều năm trong quân ngũ, năm 1986, Anh hùng Chu Văn Mùi phục viên, trở về quê hương nhưng vẫn tiếp tục tham gia công tác tại địa phương với vai trò là Chủ nhiệm Hợp tác xã Sơn Hà. Người Anh hùng Điện Biên năm xưa trong thời bình vẫn lăn lộn cùng Ban chủ nhiệm Hợp tác xã vận động bà con đưa nhiều giống lúa, ngô mới vào sản xuất để tăng năng suất và thu nhập.

Ông còn phát động phong trào làm gạch để xây dựng trường học, trạm bơm ở xã; vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn, xây dựng cây cầu nối xã Thượng Lan với xã Việt Tiến để bà con đi lại được thuận lợi.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thượng Lan Dương Trọng Tô cho biết, nhân kỷ niệm 60 Chiến thắng Điện Biên Phủ, địa phương tổ chức chương trình nói chuyện truyền thống, trong những ngày tới, Anh hùng Chu Văn Mùi tham gia kể chuyện lịch sử tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn xã.

Dịp kỷ niệm, Anh hùng Chu Văn Mùi sẽ dự buổi gặp mặt những cựu chiến binh Điện Biên Phủ tiêu biểu tại Phủ Chủ tịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục