Chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của những cọn nước Nà Khương

Không đơn thuần chỉ là một công trình thủy lợi, chiếc cọn nước đã trở thành một biểu tượng, là bản sắc văn hóa độc đáo của người dân tộc Thái ở Lai Châu, là chứng nhân cho nền văn minh lúa nước.
Cọn nước được làm từ những nguyên vật liệu thô sơ có trong tự nhiên như; tranh tre, nứa, gỗ, mây, vầu... kết tinh bởi những bàn tay khéo léo của người dân tộc Thái bản Nà Khương. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Đến Tam Đường, Lai Châu du khách không chỉ bị cuốn hút bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp, mà còn được đắm mình trong không khí hoang sơ mát lành của dòng Nậm Mu xanh biếc uốn lượn trải dài theo những cánh đồng màu mỡ, với những cọn nước làm nên nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái tại bản Nà Khương, xã Bản Bo.

Nằm cách thành phố Lai Châu hơn 30km, những chiếc cọn nước khổng lồ ở Nà Khương ngày đêm quay đều miệt mài, êm ả như những chiếc bánh xe khổng lồ vĩnh cửu mang dòng nước mát lành về tưới cho những thửa ruộng lúa mơn mởn bên dòng sông Nậm Mu.

Sải bước qua chiếc cầu treo nằm trên con suối Nậm Mu và lang thang trên các con đường nhỏ uốn lượn, bạn sẽ bước vào 1 cánh đồng lúa chín tuyệt đẹp nằm lọt thỏm giữa các đồi núi bao quanh. Vào mùa nước cạn, dân bản sẽ dựng khoảng 25-30 Cọn nước để đưa nước từ suối vào các cánh đồng qua các ống tre dẫn nước.

Hằng năm, các cọn nước cũng chỉ được người dân sử dụng được đến trước mùa nước lũ. Khi có lũ về, các cọn nước thường bị cuốn trôi. Đến tháng 9 âm lịch hằng năm, người dân trong bản lại dựng lại những cọn nước mới.

Không biết từ bao giờ hình ảnh những chiếc cọn nước như những bánh xe khổng lồ, chậm rãi quay những vòng quay đều đều bên dòng suối không chỉ lưu giữ tập quán canh tác đặc trưng của người vùng cao nơi đây mà còn trở thành địa điểm ấn tượng độc đáo không thể bỏ qua đối với du khách khi đến với huyện Tam Đường.

Những cọn nước mang vẻ đẹp hoang sơ giữa núi rừng Tây Bắc, được làm từ những bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc Thái. Quá trình làm mỗi chiếc cọn nước là cả một kỳ công như những bí quyết được truyền lại từ nhiều thế hệ. Tất cả vật liệu làm cọn đều có nguồn gốc từ trong tự nhiên như tre, nứa, gỗ, mây, vầu,…

[Vì sao năng lực phát triển du lịch Việt lọt top tốt nhất thế giới]

Hình dạng của chiếc cọn được định hình bời phần guồng, trục quay, hàng trăm năm qua nó trở thành bộ khung vững vàng. Tùy thuộc vào kích thước cọn nước để xác định độ dài tương ứng và số lượng của các nan cọn. Nan cọn được nối với trục quay thành khung vững chắc bằng cách đục lỗ khéo léo trên thân trục tương ứng với số nan sao cho vừa khít, sau đó cố định bằng những sợi dây mây, dây rừng dẻo dai.

Tiếp đó là đến công đoạn làm xung quanh vành khung cọn, người thợ đặt các cánh quạt đan từ phên tre để cản nước, tạo lực đẩy guồng quay. Còn những cây vầu già nhỏ và dài sẽ được dùng để cố định vòng ngoài cho cọn không bị xô lệch khi quay, đồng thời, gắn các gầu múc nước bằng ống tre. Lực đẩy của nước khiến guồng quay liên tục để gầu múc nước, đến tầm cao nhất định thì các gầu bắt đầu dốc nước vào các ống dẫn đưa nước tưới cho những thửa ruộng bạc thang quanh đó.

Cọn nước không ầm ầm tiếng máy, không hao tốn nhiên liệu hay điện năng như những chiếc máy bơm, nhưng giá trị của nó thì không hề thua kém. Cọn nước chính là những bánh xe khổng lồ nhẹ nhàng, chậm rãi quay hết đêm này sang ngày, như một “động cơ vĩnh cửu.”

Sau những giờ làm việc mệt nhọc, bà con bản Nà Khương lại rủ nhau ra cọn nước để tắm mát, nghỉ ngơi. Hình ảnh những cô gái e ấp, ẩn mình trong làn nước trong xanh bên những guồng quay khổng lồ tạo nên vẻ đẹp tinh khôi, nguyên sơ chốn núi rừng trong mắt du khách.

Những chiếc cọn nước khổng lồ quay đều ngày đêm êm ái đưa nước cung cấp cho những thửa ruộng lúa gắn liền với đời sống của người dân từ bao đời nay. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Cứ đến mùa khô hàng năm, khi những chiếc cọn nước bắt đầu quay cũng là thời điểm hàng nghìn du khách thập phương đổ về đây để thăm quan và trải nghiệm.

Để phục vụ cho du lịch, Ủy ban Nhân dân xã Bản Bo đã chỉ đạo bà con dựng những chiếc cọn nước trước và sau khi mùa mưa kết thúc. Ngoài ra, xã cũng hướng dẫn bà con phát triển các dịch vụ du lịch như văn hóa, văn nghệ, khu dừng chân, ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, Lào tại đây để sớm đón du khách đến thăm quan và trải nghiệm.

Tới đây, du khách sẽ được nghỉ ngơi, thư giãn, vui đùa, thưởng thức các món ăn địa phương, mặc những bộ trang phục dân tộc truyền thống và được hòa mình cùng nắng, gió của núi rừng. Để trải nghiệm cuộc sống của người dân ở Bản Bo, du khách cũng được đi bắt cá và chế biến món cá nướng ngay bên bờ sông Nậm Mu.

Không đơn thuần chỉ là một công trình thủy lợi, chiếc cọn nước đã trở thành một biểu tượng, là bản sắc văn hóa độc đáo, là chứng nhân cho một nền văn minh lúa nước, góp phần làm phong phú cho nền văn hóa các dân tộc. Gắn với đời sống nhiều thế hệ, chứa đựng biết bao tâm huyết và trí tuệ của đồng bào dân tộc, nên bảo tồn những vòng quay của cọn nước cũng là gìn giữ một lối sống trong lành, gần gũi với thiên nhiên của đồng bảo dân tộc Thái nơi đây./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục