Chiêm ngưỡng những tạo tác hình tượng rồng đặc sắc tại Chùa Đậu

Chùa Đậu huyện Thường Tín có hai hình tượng rồng khá đặc trưng là rồng thời Lê Trung Hưng và thời Trần, đặc biệt trong đó có rồng Lê Trung Hưng được khắc họa khá tỉ mỉ và đẹp mắt.

Lễ hội chùa Đậu tại huyện Thường Tín, Hà Nội diễn ra hàng năm từ ngày 8-10/1 Âm lịch. Năm nay, hội khai mạc từ ngày 17/2 Dương lịch. Khách chiêm bái liên tục đổ về, ước tính lên tới hàng nghìn lượt người trong ngày đầu tiên.

Tuy nhiên trong không khí rộn ràng, nhiều người có thể đã không để ý đến những công trình tạo hình rồng tỉ mỉ và tinh xảo của chùa. Đó là rồng thời Lê Trung Hưng trên các cột và đấu củng của mái, hay hình tượng rồng thời Trần hai bên bậc đá dẫn vào tiền đường.

Đáng chú ý, đây là những hình tượng rồng nổi bật nhất ở hai thời này. Ở thời Lê Trung Hưng, rồng có nhiều tạo hình đa dạng, nhưng đặc trưng nhất là họa tiết lông và mây hình đao mác, trông giống như vũ khí, thể hiện đặc tính của giai đoạn xảy ra nhiều cuộc binh đao loạn lạc.

Còn với đôi rồng đá, thân dày với chiếc mũi kéo dài chính là đặc trưng của rồng thời Trần. Trái với con rồng thời Lê Trung Hưng, rồng thời Trần cho thấy ảnh hưởng từ chất Phật giáo.

Nhìn chung, con rồng Việt Nam vừa là biểu tượng cho sự uy quyền của nhà vua, vừa tượng trưng cho nhiều ước nguyện tốt đẹp, ước mong mưa thuận gió hòa của người dân nông nghiệp. Những điêu khắc rồng gỗ, rồng đá được lưu trữ như thế này là nguồn tư liệu đặc biệt quan trọng trong việc tái hiện hình ảnh con rồng của Việt Nam.

Bên cạnh những hình tượng rồng, du khách thập phương chiêm bái chùa còn được tận mắt chứng kiến nhiều hiện vật đáng chú ý như hai pho tượng táng nguyên cơ thể, các bia đá cổ… tô đậm thêm giá trị của một ngôi chùa gần 2.000 năm tuổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục