Trưng bày tranh về kiến trúc Phật giáo là một cách quảng bá, lưu truyền để giữ gìn những nét đẹp văn hóa, tôn giáo. Điều này được thấy rõ trong triển lãm "Kiến trúc Phật giáo Việt Nam-thống nhất trong đa dạng," đang diễn ra tại Bảo tàng Quốc gia Việt Nam (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ ngày 14/4 đến 15/5.
Tại triển lãm, những hiện vật, bản vẽ kiến trúc Phật giáo được trưng bày thông qua nhiều hình thức đa dạng. Không gian được chia làm hai phần, chủ đạo là kiến trúc của Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông.
Khu vực Bắc tông nằm phía tay trái triển lãm, bản vẽ và tranh ảnh là minh chứng cho văn hóa kiến trúc đặc biệt qua 2.000 năm lịch sử hình thành.
Ngoài một số chùa ở những điểm thắng cảnh thiên nhiên, thì hầu hết chùa Bắc tông đều gắn liền với xóm làng. Các ngôi chùa này không chỉ thờ Phật, Bồ Tát, thờ tổ mà còn thờ thánh, thần tự nhiên, thờ mẫu...
Kiến trúc chùa được xây theo cách thức truyền thống, bệ khung chịu lực chủ yếu làm bằng gỗ. Bố cục Phật điện thay đổi theo thời điểm, nhằm đáp ứng về sự gia tăng số lượng tượng pháp và nhu cầu tín ngưỡng cộng đồng.
[Triển lãm kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng]
Kiến trúc Phật giáo Nam tông Khmer có nhiều khác biệt hơn. Đây là Phật giáo Nguyên thủy hình thành trong thế kỷ đầu tiên sau khi Phật Thích Ca viên tịch.
Trường phái Phật giáo này quan niệm ngôi chùa không chỉ là không chỉ là không gian tín ngưỡng, mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, trung tâm văn hóa, là ngôi trường cho con em người Khmer tu học. Bởi vậy chùa được xây dựng trong khuôn viên cây xanh, quy hoạch trên nền đất cao với ba cấp nền hướng theo chiều Đông-Tây, có tường rào bao quanh.
Ngoài 300 tài liệu cổ được trưng bày, điều đặc biệt nhất chính là biểu tượng mới của kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Đây là sự kết hợp đặc trưng của họa tiết hoa văn trống đồng Đông Sơn với họa tiết biểu trưng của Phật giáo biểu thị cho ý nghĩa Đạo pháp./.