Chiêm ngưỡng những bức tượng chân dung cổ quái và kỳ lạ từ gốc tre

Nằm bên hông chợ Hội An ở phố cổ Hội An cổ kính có một gian hàng nhỏ bày hàng trăm bức tượng chân dung cổ quái và kỳ lạ, được tạc bằng gốc tre, khiến cho ai đi ngang qua cũng phải tò mò ngắm nhìn.

Nơi bán hàng và cũng là nơi làm việc của nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ, người có biệt danh là “Đỏ gốc tre."

Cửa hàng của anh nằm bên hông chợ Hội An ở phố cổ Hội An cổ kính nơi lúc nào cũng nườm nượp người đi chợ và du khách qua lại nên hầu như ai cũng biết.

Ở Hội An, anh Đỏ nổi tiếng tới mức dân địa phương hầu như ai cũng biết, bởi anh có biệt tài tạc tượng gốc tre đẹp, hiếm có người thứ hai làm được. Thậm chí báo chí trong Nam ngoài Bắc tìm đến viết về anh cũng khá nhiều.

Với nhiều người gốc tre là thứ vứt đi hoặc cùng lắm là làm củi đun nấu của dân nghèo, nhưng với “Đỏ gốc tre” nó là thứ của hiếm được dùng để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo có một không hai.

Anh Đỏ vốn là dân nghề mộc, từng theo học nghề với những nghệ nhân giỏi có tiếng tại làng mộc Kim Bồng nổi tiếng ở Hội An. Anh đến với nghề tạc tượng gốc tre cũng khá tình cờ. Năm 1999, Hội An có trận lụt lớn, anh Đỏ ngồi trong nhà thấy mấy gốc tre trôi theo dòng nước lũ tấp vào trước cửa, anh nhặt lên xem thấy hình thù kỳ lạ nên nảy ra ý tưởng dùng nó để tạc tượng.

Lần mò thử hết cách này đến cách khác, cuối cùng anh cũng làm thành công rồi gắn bó với nghề tạc tượng bằng gốc tre từ bấy cho đến nay.

Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ, người nổi tiếng với biệt tài tạc tượng gốc tre ở phố cổ Hội An.
Nơi làm việc và cũng là nơi bán hàng của anh Đỏ nằm bên hông chợ Hội An.
Tượng gốc tre hầu hết được tạc từ một bộ gốc và rễ tre nguyên khối.
Bộ dụng cụ dùi đục khá đơn giản của nghề tạc tượng gốc tre.
Một nữ du khách người nước ngoài thích thú dừng bước xem nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ tạc tượng gốc tre.
Anh Đỏ giới thiệu với du khách nước ngoài về nghệ thuật tạc tượng gốc tre.
Hai du khách người Nhật vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra ở Hội An có một người nghệ nhân làm nghề tạc tượng gốc tre rất độc đáo.
Vào mỗi buổi sáng, công việc đầu tiên trong ngày của anh Đỏ là đem các bức tượng gốc tre ra bày ngoài cửa hàng để bán cho du khách.

Hằng ngày, ai đi ngang qua hàng anh Đỏ cũng thấy bóng dáng một người đàn ông có nước da đen cháy ngồi giữa đống gốc rễ tre ngổn ngang cặm cụi đục đục, đẽo đẽo. Xung quanh anh là hàng trăm bức tượng gốc tre với hình thù cổ quái, kỳ lạ treo kín từ trên tường xuống dưới đất khiến cho ai đi qua cũng phải tò mò đứng lại xem.

Nhiều du khách nước ngoài còn tò mò nán lại hỏi chuyện với đầy vẻ ngạc nhiên và thú vị. Nhiều người còn chọn mua hoặc đặt làm theo sở thích để làm quà lưu niệm khi đến thăm phố cổ Hội An.

Anh Đỏ cho biết, gốc tre cái nào cũng gân guốc, gồ ghề và nhiều rễ nên rất phù hợp để tạc tượng chân dung các nhân vật thần thánh, danh nhân nổi tiếng như tượng Phật, La Hán, Đạt Ma, Di Lặc, Phước, Lộc, Thọ, Quan Công, Trương Phi, Trần Hưng Đạo…

[Làng mộc Kim Bồng: Nơi những nghệ nhân Việt thổi hồn vào gỗ]

Cũng theo anh Đỏ, kỹ thuật tạc tượng gốc tre không khó, nó mang tính ngẫu hứng và thể hiện cá tính của người nghệ nhân rất cao. Tuy nhiên, để có tác phẩm đẹp, có hồn, người tạc phải biết tận dụng được hết các đường nét tự nhiên của gốc tre, nhất là phần rễ, chỉ tạo tác ở những vị trí nhất định để nhằm tôn thêm thần thái cho chân dung nhân vật.

Đặc biệt, việc lựa chọn nhân vật để điêu khắc quyết định rất nhiều đến sự thành công của tác phẩm, bởi hình dáng tự nhiên của gốc tre luôn muôn hình vạn trạng, nên cần phải tính toán, lựa chọn nhân vật có đặc tính đường nét dung mạo phù hợp với hình dáng tự nhiên ban đầu của gốc tre thì mới làm được. Vì thế tượng gốc tre là sản phẩm độc bản, không cái nào giống cái nào, cho nên rất hấp dẫn đối với người chơi.

Tượng gốc tre đẹp và độc đáo nhờ ở tính độc bản, không cái nào giống cái nào.
Gốc tre tạc đầu rồng.
Vẻ đẹp sinh động của tượng Phật Di Lặc được làm từ gốc tre nguyên khối.
Vẻ đẹp độc đáo của một tác phẩm tượng gốc tre của nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ.
Rễ tre được giữ nguyên tạo dáng thành râu, tóc tuyệt đẹp của nhân vật.

Gần 20 năm làm nghề tạc tượng gốc tre, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ giờ không chỉ tạo dựng được một cơ ngơi kha khá cho cuộc sống mà anh còn truyền dạy nghề cho nhiều lớp thợ trẻ, giúp họ có công ăn việc làm ổn định.

Sản phẩm tượng gốc tre độc đáo của anh giờ còn góp phần cùng với những sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng khác của Hội An như đèn lồng, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà… tạo thành những món quà lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa Hội An, giúp quảng bá thêm cho vùng đất di sản thế giới đến với du khách trong và ngoài nước./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục