Làng Dịch Diệp được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XI dưới thời Vua Lý Thái Tổ với tên gọi là Dịch Diệp Trang. Đây là vùng đất hạ lưu sông Hồng thuộc huyện Tây Chân-Trấn Sơn Nam, sau là Phủ Thiên Trường.
Làng được xây dựng theo phong cách chung của làng Việt cổ truyền thống với những nét đẹp cổ kính như: đền, chùa, giếng nước, con sông, cây đa...
Cổng phía nam làng cổ Dịch Diệp Trang nối liền cây cầu cuốn bằng đá được xây dựng từ năm 1864.
Cây Bồ đề gần 1.000 năm tuổi đã được chính quyền và nhân dân địa phương long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam vào ngày 17/4/2021.
Ở Dịch Diệp Trang, dấu ấn thời gian hằn in ở các cổng nhà. Cổng thường xây cuốn mái vòm parapol sâu từ 1-2m, có cổng sâu đến vài ba mét.
Chùa làng có tên là 'Cổ Liêu Linh Tự' xây dựng từ xa xưa, không rõ niên hiệu, chỉ biết chuông chùa được đúc vào năm Gia Long thứ 6 (tức năm 1818). Chùa đã được người dân liên tục trùng tu trong nhiều năm qua.
Ngôi nhà của hai chị em bà Vũ Thị Cúc và Vũ Thị Quý là một trong ngôi nhà có tuổi đời lâu nhất trong làng. Bà Cúc cho biết: 'Ngôi nhà cổ chúng tôi đang sinh sống có tuổi đời hơn 100 năm. Nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, mái ngói cổ, có 3 gian, cửa quay cùng sân vườn. Các họa tiết trang trí ở các kèo, cột và sập gụ, bàn ghế của căn nhà gần như nguyên vẹn.'
Một góc của căn nhà cổ.
Con đường cổ kính dẫn vào mỗi ngôi nhà.
Theo các cụ cao niên trong làng, dân làng Dịch Diệp Trang thuở ban đầu làm nghề canh nông, sau này mở thêm nghề dệt, lúc này nghề dệt cửi bắt đầu hình thành. Năm 1947, dân làng đã may áo trấn thủ gửi tặng bộ đội và may tấm áo lụa gửi tặng Bác Hồ và được Người gửi thư khen. Trải qua thời gian, nghề dệt truyền thống được người dân trong làng truyền từ đời này sang đời khác và đang tiếp tục phát triển đến ngày nay…
Trải qua thời gian với những thăng trầm lịch sử, ngôi làng cổ hôm nay đang dần đổi thay, phát triển không ngừng nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng. Những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương với những tên đất, tên làng đã đi vào sử sách vẫn đang được các nghệ nhân, các bậc cao niên lưu giữ, bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ con cháu.
(Vietnam+)