Khoảng 100 hiện vật cổ sẽ được giới thiệu tới công chúng tại chương trình trưng bày chuyên đề “Nét vàng son - Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng.”
Triển lãm sẽ kéo dài từ ngày 20/6 đến hết tháng 11 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội).
Những hiện vật trưng bày lần này có niên đại từ thời Lê, Nguyễn (thế kỷ 17-đầu thế kỷ 20), thuộc nhiều loại hình như: đồ thờ, tượng, hoành phi, câu đối…. Trong đó, có nhiều hiện vật khối lớn, lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng.
Đại diện ban tổ chức cho biết, nghề chạm khắc gỗ, làm đồ sơn là một nghề có truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Những dấu tích của đồ gỗ sơn đã xuất hiện từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 2.000 năm). Đây là nền tảng cho sự phát triển của đồ gỗ sơn thếp ở các thời kỳ lịch sử sau này.
Dưới các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, đồ gỗ sơn thếp được sử dụng phổ biến trong việc xây dựng các cung điện, lầu son, chùa tháp… Tuy nhiên, đồ gỗ sơn thếp phát triển rực rỡ nhất vào thời Lê, Nguyễn và các di vật còn lại đến ngày nay cũng chủ yếu thuộc thời kỳ này.
Chương trình trưng bày chuyên đề “Nét vàng son - Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng” được tổ chức nhằm góp phần tôn vinh nghề thủ công truyền thống của người Việt, nâng cao ý thức của công chúng trong việc bảo tồn di sản quý báu của cha ông…
Hình ảnh một số hiện vật được trưng bày lần này: