Người Thái có mặt ở Việt Nam khoảng hơn 1000 năm trước. Tại Sơn La, Người Thái chiếm 54,76% dân số, cư trú hầu khắp 11 huyện, thành phố của tỉnh.
Người Thái được đánh giá là một trong những dân tộc thiểu số có đời sống văn hóa phong phú nhất tại nước ta.
Họ không chỉ có lối kiến trúc độc đáo, trang phục đặc sắc mà còn có những thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, thơ, ca riêng.
Những tác phẩm thơ ca nổi tiếng của dân tộc Thái như Xống chụ xon xao, Khum Lú nàng úa đều là những di sản văn hóa quý báu mà người Thái còn bảo lưu cho tới nay trong cộng đồng.
Do có chữ viết riêng nên người Thái lưu giữ được nhiều di sản văn hóa của cha ông, tạo nên một đời sống văn hóa vô cùng phong phú.
Hệ thống chữ viết cổ của người Thái từ xưa đã được ghi lại trên giấy dó, với nhiều nội dung về lịch sử riêng của dân tộc.
Chữ viết cổ của người Thái được vay mượn từ Ấn Độ và được sáng tạo thành bộ chữ riêng.
Theo các nhà Thái học Việt Nam, do tiếng Thái bao gồm nhiều thổ ngữ, phương ngữ, nên theo dòng lịch sử, người Thái có tới 8 bộ ký tự. 2 bộ của ngành Thái đen, 4 bộ thuộc ngành Thái trắng, 1 bộ tại các địa phương Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hoà Bình); 1 bộ chữ Thái Quỳ Châu (Nghệ An).
Tại bảo tàng tỉnh Sơn La, có riêng một kho lưu giữ chữ viết cổ của người Thái. Đó là 1103 cuốn sách cổ được sưu tầm qua nhiều thế hệ để phục vụ công tác bảo tồn và nghiên cứu văn hóa.
Sách có nhiều loại và kích thước khác nhau, có nội dung vô cùng phong phú. Người Thái cổ tự sáng tạo ra cách ghép vần và đọc chữ, nên loại chữ viết cổ này ghi lại được tương đối đầy đủ lời ăn, tiếng nói và những câu chuyện của họ tự ngàn đời.
Với giá trị và ý nghĩa đặc biệt trên, chữ viết cổ của người Thái được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016./.