“Khẩu trang của tôi bảo vệ bạn, khẩu trang của bạn bảo vệ tôi” (My mask protects you, your mask protects me) - những thông điệp như vậy đang xuất hiện dày đặc trên các tấm áp phích, băngrôn ngoài đường phố hay trong tranh ảnh, trang mạng ở các nước phương Tây, điều mà chỉ vài tháng trước là điều cực kỳ hiếm thấy, nếu không muốn nói là chưa từng có.
Đơn cử như tấm ápphích hướng dẫn phòng chống đại dịch COVID-19 do Cơ quan Y tế bang Oklahoma, Mỹ phát hành, dòng thông điệp "My mask protects you, your mask protects me" nổi bật cùng những hàng người nhiều màu da, sắc tộc, độ tuổi, giới tính..., tất cả đều đeo khẩu trang.
Hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên đeo khẩu trang nơi công cộng ngày 11/7 tràn ngập trên các phương tiện thông tin.
Dường như đã có một sự thay đổi đáng kể về vấn đề đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, bởi mới chỉ đầu năm nay thôi, nhiều người gốc Á ở Mỹ hay một số nước châu Âu từng là nạn nhân phải hứng chịu những ánh nhìn kỳ thị, thậm chí bị hành hung khi ra đường đeo khẩu trang.
Cuộc tranh cãi về vấn đề đeo khẩu trang nổ ra ngay từ thời kỳ đầu dịch bùng phát, khi nhiều nước châu Á sử dụng khẩu trang như một trong những biện pháp cần thiết để phòng chống virus, còn phần lớn các nước phương Tây không coi trọng.
Giới chuyên gia cho rằng những khác biệt về văn hóa, thói quen, đặc biệt là cách tiếp cận và quan điểm, nhận thức không giống nhau về phòng chống dịch bệnh đã dẫn tới những ý kiến trái ngược về sự cần thiết của việc sử dụng khẩu trang trong dịch COVID-19.
Thời gian đầu, chính phủ một số nước như Anh hay Singapore thậm chí còn khuyến cáo người dân không nên đeo khẩu trang vì lo ngại nhu cầu tăng vọt sẽ khiến nhân viên y tế tuyến đầu thiếu hụt trang thiết bị thiết yếu.
Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra những hướng dẫn không nhất quán.
Ngày 6/4, thời điểm thế giới có hơn 3 triệu ca mắc COVID-19, WHO chưa khuyến nghị người khỏe mạnh sử dụng khẩu trang như một biện pháp phòng ngừa.
Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau đó, khi số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu tăng lên hơn 10 triệu người, WHO đã lần đầu khuyến cáo chính phủ các nước cần khuyến khích toàn thể người dân đeo khẩu trang ở những nơi dịch bệnh lây lan mạnh mẽ và việc thực hiện giãn cách khó khăn, như ở trên các phương tiện công cộng, trong các cửa hàng hoặc trong không gian chật hẹp hay đông người.
Đến đầu tháng Năm, hơn 80% dân số thế giới được khuyến nghị hoặc bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng và hơn 75 quốc gia có quy định về việc đeo khẩu trang.
Sự thay đổi này xuất phát từ việc ngày càng có nhiều nghiên cứu và dữ liệu dịch tễ học chứng minh đeo khẩu trang giúp hạn chế lây lan virus SARS-CoV-2, cũng như thực tế kiểm soát dịch hiệu quả ở một loạt quốc gia.
Một nghiên cứu công bố ngày 15/6 trên trang mạng Research Gate khẳng định, sự khác biệt lớn nhất giữa những quốc gia bị tác động nặng nề của COVID-19 và những quốc gia khống chế thành công dịch bệnh chính là khẩu trang.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại 198 quốc gia và nhận thấy những quốc gia nhanh chóng quy định đeo khẩu trang khi dịch mới bùng phát có tỷ lệ tử vong thấp hơn hàng trăm lần so với các nước không bắt buộc đeo khẩu trang.
Một nghiên cứu khác của Đại học Cambridge (Anh) cũng khẳng định việc đeo khẩu trang rộng rãi có thể làm giảm tỷ lệ lây nhiễm và ngăn chặn làn sóng dịch thứ hai. Ngay cả những loại khẩu trang tự chế tại nhà làm từ vải cotton cũng có hiệu quả tới 90% trong việc ngăn ngừa sự lây lan của virus.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng khẩu trang vải giúp giảm từ 50-100% sự phát tán các giọt bắn từ miệng tùy thuộc vào một số yếu tố.
Ở những người có biểu hiện bệnh không rõ ràng, những giọt bắn nhỏ chứa virus không chỉ phát tán qua hắt hơi và ho mà còn qua hành động nói và hơi thở, do đó việc đeo khẩu trang hàng loạt sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ lây lan virus.
Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, nơi việc đeo khẩu trang để chống bụi hay thời tiết lạnh đã phổ biến, đều có những quy định liên quan đến sử dụng khẩu trang để phòng ngừa dịch bệnh và thực tế đã chứng minh tác dụng của thiết bị này.
Tại Mỹ Latinh, trong khi Brazil đang vật lộn đối phó với đại dịch, quốc gia láng giềng Venezuela, một trong những nước bắt buộc đeo khẩu trang từ tháng Ba, đã tránh được cuộc khủng hoảng dịch bệnh tồi tệ.
Tại châu Âu, 3 quốc gia được coi là “tiên phong” khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang là Cộng hòa Séc, Slovakia và Cộng hòa Áo đều có số ca nhiễm và tỷ lệ tử vong vì COVID-19 thấp. Cộng hòa Séc yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang tại các siêu thị, hiệu thuốc và khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng từ ngày 18/3.
Một tuần sau, Slovakia cũng ra quy định tương tự vào, đích thân Tổng thống Zuzana Caputova còn đeo khẩu trang trong lễ tuyên thệ nhậm chức của chính phủ mới.
Ngày 6/4, Áo ban hành quy định về đeo khẩu trang nơi công cộng và Thủ tướng Sebastian Kurz thừa nhận đây là “sự điều chỉnh lớn,” bởi “khẩu trang vốn là một thứ xa lạ với đất nước chúng ta.”
Khi đánh giá Việt Nam là “hình mẫu” hàng đầu thế giới về chống dịch hiệu quả, giới quan chức và chuyên gia quốc tế không ít lần nhắc tới việc người dân cả nước thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang tại những nơi tập trung đông người.
[Ông Trump lần đầu tiên đeo khẩu trang khi xuất hiện trước công chúng]
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong bài viết ca ngợi thành công của Việt Nam còn lưu ý ở Việt Nam, đeo khẩu trang tại nơi công cộng là quy định bắt buộc, thậm chí trước cả khi có khuyến nghị của WHO.
Nhiều ý kiến còn khẳng định đây là một trong những bí quyết giúp Việt Nam trở thành “điểm sáng” chống dịch, dù là quốc gia tiếp giáp Trung Quốc và ghi nhận ca nhiễm đầu tiên từ ngày 23/1, song tới sáng 13/7 Việt Nam đã trải qua 88 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, hơn 94% trong tổng số 372 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 đã được công bố khỏi bệnh, không có trường hợp nào tử vong.
Ngày càng có nhiều quốc gia phương Tây coi việc sử dụng khẩu trang như một biện pháp hạn chế virus SARS-CoV-2 lây lan, bên cạnh việc tuân thủ quy định giãn cách xã hội và rửa tay thường xuyên.
Từ cuối tháng Tư, Đức đã bắt buộc đeo khẩu trang khi sử dụng giao thông công cộng tại tất cả 16 bang.
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Lao động Đức (IZA), số ca nhiễm ở Jena – thành phố đầu tiên ở Đức bắt buộc đeo khẩu trang đã giảm 25% trong 20 ngày đầu tiên, và giảm hơn 50% trong những người từ 60 tuổi trở lên.
Nghiên cứu ước tính, việc đeo khẩu trang bắt buộc có thể làm giảm tỷ lệ tăng ca nhiễm mỗi ngày lên khoảng 40%.
Đầu tháng Năm, khi Italy bắt đầu nới lỏng phong tỏa, việc đeo khẩu trang khi sử dụng giao thông công cộng và trong các cửa hàng là bắt buộc.
Dù không áp dụng các mức phạt, trên khắp Italy, quốc gia từng là tâm dịch tại châu Âu, phần lớn dân số đều tuân thủ quy định nghiêm ngặt và việc đeo khẩu trang khi rời nhà đã trở thành “một phần của cuộc sống.”
Chính phủ Pháp đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đồng thời khuyến khích đeo khẩu trang nếu không thể đảm bảo giãn cách.
Người vi phạm sẽ bị phạt tới 135 euro, trong khi những người vứt khẩu trang y tế dùng một lần ra đường sẽ bị phạt 68 euro.
[Thêm một vùng ở Tây Ban Nha quy định bắt buộc đeo khẩu trang]
Tại Anh, từ ngày 15/6, sử dụng khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng là bắt buộc, nếu không sẽ bị từ chối phục vụ và bị phạt khoảng 100 euro.
Chủ tịch Hội Khoa học Hoàng gia Anh (Royal Society), ông Venki Ramakrishnan tuyên bố xét mức độ nguy hiểm thì “những người từ chối đeo khẩu trang trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19 nên bị coi như những người lái xe mà uống rượu.”
Còn tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ngày 28/6 đã thay đổi lập trường ban đầu về khẩu trang, khi khuyến nghị đeo khẩu trang vải ở nơi công cộng nhằm làm chậm sự lây lan của COVID-19.
Theo CDC, COVID-19 lây lan chủ yếu giữa những người tiếp xúc gần với nhau, vì vậy việc sử dụng khẩu trang vải đặc biệt quan trọng ở những nơi mọi người gần nhau hoặc nơi khó có thể duy trì cách ly giao tiếp xã hội.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Health Affaris, sau khi có quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại 15 bang và quận Columbia, tốc độ lây nhiễm hằng ngày đã chậm lại.
Trong 5 ngày đầu tiên đeo khẩu trang, tốc độ lây nhiễm giảm 0,9% và trong 3 tuần tiếp theo giảm 2%.
Tại nhiều nơi, hành vi không đeo khẩu trang theo quy định còn bị phạt nặng. Qatar là nơi áp mức án phạt nghiêm khắc nhất thế giới, theo đó các đối tượng vi phạm sẽ phải chịu án phạt 3 năm tù giam và tiền phạt 200.000 rial (50.900 euro).
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, những người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng sẽ bị phạt khoản tiền tối đa lên tới 900 libra (tương đương 131 USD). Người vi phạm tại Israel sẽ bị phạt 500 shekel (145 USD).
Hành khách không đeo khẩu trang trên các chuyến bay của một loạt hãng hàng không lớn của Mỹ, như American Airlines, Delta Air Lines, Southwest Airlines và United Airlines có thể bị cấm bay.
Trước những quy định mới này, trang mạng xã hội Facebook đã tạo các thông báo ở trên đầu các trang Facebook và Instagram để nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang.
Trong khi đó, một loạt công ty đã bắt kịp xu thế sáng tạo, như "khẩu trang lạnh" cho mùa Hè ở Nhật Bản, khẩu trang trong suốt cho người khiếm thính do công ty Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, Israel phát minh khẩu trang tự diệt virus SARS-CoV-2 bằng nhiệt.
Nói như vậy không có nghĩa là những tranh cãi về vấn đề đeo khẩu trang đã chấm dứt.
Ngay tại "tâm dịch" Brazil, chỉ 3 ngày trước khi được xác định nhiễm virus giữa tuần trước, Tổng thống Jair Bolsonaro đã phủ quyết một phần nội dung của dự luật quốc gia quy định người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Mặt khác, vấn đề ô nhiễm rác thải do khẩu trang y tế cũng đang đặt ra thách thức. Hình ảnh khẩu trang y tế cùng găng tay cao su trải đầy dưới đáy biển ngoài khơi thành phố Antibes, tỉnh Alpes-Maritimes, miền Nam nước Pháp, một trong những khu bảo tồn biển quan trọng nhất ở Địa Trung Hải, đang gây lo ngại bởi khẩu trang y tế được làm từ polypropylen, có thể mất tới 450 năm để tan rã trong tự nhiên.
Chính phủ Pháp đã phải phát động chiến dịch nâng cao nhận thức cho người dân và ban hành mức phạt nặng với người vứt bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định.
Tuy nhiên, rõ ràng nhận thức về vấn đề đeo khẩu trang đã có những thay đổi rõ rệt trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vẫn tiếp tục tăng. Khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa ở Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã khuyến khích người dân đeo khẩu trang nơi công cộng bởi theo ông "khẩu trang sẽ giúp người dân tự tin hơn để trở lại làm việc."
Cựu Bộ trưởng Y tế Pháp Jean-François Mattéi, nhận định đeo khẩu trang trong dịch bệnh "có khả năng trở thành điều bình thường" ở các nước phương Tây khi COVID-19 kết thúc.
Khi việc đeo khẩu trang đã được chứng minh có thể hạn chế lây nhiễm virus trong cộng đồng, thì thông điệp “Khẩu trang của tôi bảo vệ bạn, khẩu trang của bạn bảo vệ tôi” đang phản ánh phần nào ý thức của mỗi người tự bảo vệ bản thân cũng như thể hiện trách nhiệm tập thể đối với xã hội./.