Chiếc ghế CEO FPT: Chỉ hình thức vẫn "nóng bỏng"

Mặc dù ông Trương Gia Bình luôn tuyên bố: "Chúng tôi không tìm người giống mình. Lãnh đạo thế hệ tiếp theo phải có những điểm mạnh!"
Chiếc ghế CEO FPT được coi là "nóng" bởi hiện tại, FPT không còn là của 13 người sáng lập cũ và những nhân viên đã theo họ hơn 20 năm qua và những "bộ não" thì đã rời khỏi FPT bằng cách này hay cách khác. Còn lại hầu hết là những người mà không ở FPT thì chả biết đi đâu, làm gì.

Rất nhiều cổ đông của FPT cho rằng với nhân sự khối văn phòng của FPT hiện nay, có thể bỏ đi tới 60% vì tính bằng công năng, họ chỉ là "làm cảnh" nhưng lại ăn lương cao, có phần cổ phần chia nhiều do thâm niên lâu năm đã được áp dụng theo kiểu chính sách "gia đình trị" trong suốt hành trình gần 25 năm của FPT.

Nhưng, FPT lên sàn ngót nghét gần 7 năm và giờ FPT thuộc đại chúng, tức là các cổ đông của họ. Hiện những cổ đông lớn là "người FPT" nắm giữ khoảng hơn 26% số cổ phiếu, cộng thêm khoảng hơn 6% cổ phiếu của Nhà nước ủy quyền cho ông Bình, thì FPT có thể nói là sở hữu khoảng 32% (1/3) cổ phiếu. 49% số cổ phiếu do các đối tác nước ngoài chiếm giữ và gần 20% còn lại là cổ đông tự do. Họ cần một CEO với đường hướng chiến lược và bộ máy không dư thừa để đem lại cổ tức tốt nhất có thể.

Vai trò "vừa đá bóng, vừa thổi còi" công khai như đang kiêm nhiệm sẽ không được ủng hộ và bộc lộ những điểm yếu. Sớm nhìn thấy điều này, nên dù vẫn luôn được đánh giá là một nhân tài cả về kinh doanh lẫn quản trị nhân sự (dùng người), ông Bình đã lên kế hoạch chuyển giao.

Tuy nhiên, sâu vào cốt lõi, bản chất chiếc ghế CEO này không có gì "nóng" cả, dù nó đã hất đi hai trong số những nhân tài bậc nhất của FPT là ông Nguyễn Thành Nam và ông Trương Đình Anh. Đơn giản, hai ông này, hay bất cứ ai có ngồi trên chiếc ghế đó thì cũng vẫn là ông Bình và những người sáng lập ra nó kiểm soát mọi hành động.

Ông Thành Nam được tín nhiệm, nhưng đó là một nhân tài về làm việc, một bộ óc say mê sáng tạo chứ không phải quản lý và đối ngoại - hai điều cần thiết của một vị CEO. Đến Đình Anh, cá tính mạnh mẽ, triết lý kinh doanh "lợi nhuận là trên hết" không được phát huy, và sự trở lại của ông Bình với sự hình thành nên "Ban sáng lập" là điều tất yếu.

Song sự thay đổi nhân sự đó đã khiến nội bộ FPT xáo trộn, việc kinh doanh bị ảnh hưởng. Và các cổ đông lo lắng. Tại Đại hội cổ đông, một cổ đông có tên là Sáu phát biểu: "Ở góc độ cá nhân, tôi hoàn toàn ủng hộ anh Bình trong vai trò điều hành và quản trị. Tuy nhiên, FPT cũng nên xem xét đối chiếu với các quy định luật doanh nghiệp, bởi tình trạng 'vừa đá bóng vừa thổi còi' sẽ rất dễ đưa FPT mắc sai lầm. Nếu đội ngũ tham mưu không tốt thì sai lầm mắc phải sẽ phải trả giá," ông này nhận định.

Trên quan điểm để phát triển mạnh, FPT cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu của mình cùng đó là chọn tướng tài để nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc.

Ý kiến này được đa số cổ đông tán đồng, họ đều cho rằng nếu FPT tìm được người xứng đáng thì nên chuyển giao lãnh đạo, bởi hiện tại, "anh Bình là người ra quyết định với chính mình sẽ không có tính phản biện cao. Anh ấy hợp với  vai trò giám sát, quản trị hơn."

Ngay tại đại hội cổ đông, ông Bình cũng đã cam kết sẽ giới thiệu một Tổng giám đốc mới trước tháng 6 và song song đó sẽ tiếp tục kế hoạch đào tạo đội ngũ kế cận.

Mặc dù ông Bình luôn tuyên bố: "Chúng tôi không tìm người giống mình. FPT tôn trọng sự khác biệt. Lãnh đạo thế hệ tiếp theo phải có những điểm mạnh!" Nhưng vẫn với tư duy "FPT là của FPT," chắc chắn vị trí Tổng giám đốc phải là một người FPT - hơn nữa, phải là bậc "lão thành" và không phủ quyết, hay loại trừ ông Bình.

Có vẻ hầu như mọi thứ đã dọn đường để ông Bùi Quang Ngọc - bạn học từ cấp 3 của ông Trương Gia Bình lên giữ chức này. Ông Ngọc hiện đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban kiểm soát nội bộ FPT và không quản lý một công ty thành viên nào và từng đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc của FPT trong 20 năm từ 1988 đến 2008, được bầu chọn là một trong 10 lãnh đạo Công nghệ thông tin (CIO) xuất sắc nhất Đông Dương năm 2005.

Với kinh nghiệm lãnh đạo lâu năm, ông Ngọc sẽ được đề xuất là Tổng giám đốc trong một thời gian trước khi tìm được một tài năng mới sẽ được đa số cổ đông thấy "chấp nhận được." Nhưng vấn đề là, ông Ngọc làm Tổng giám đốc thì khác gì ông Bình? Và ai làm Tổng giám đốc thì khác ông Bình?

Câu trả lời là không có. Bởi những hoài bão kiểu "robot đám mây" của ông Bình nếu không thay đổi thì dù giỏi như ông Ngọc, hay ông Đỗ Cao Bảo, Hoàng Nam Tiến… cũng sẽ theo chân Đình Anh mà đi. Chẳng thà hai ông này ở nguyên vị trí của mình và làm tốt hai mảng cốt lõi tạo nên nền tảng thương hiệu và giá trị của FPT là phần mềm và triển khai hệ thống thì FPT may ra còn có cơ hội phát triển mới.

Công nghệ là hai từ khóa được nhắc tới nhiều nhất ở FPT, họ đã bầu lên chức Giám đốc Công nghệ FPT - giao cho ông Nguyễn Lâm Phương, nguyên là phó FPT Software làm. Ngày 9/5 tới đây, họ sẽ có một "Ngày Công nghệ FPT," lần đầu tiên tổ chức tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Ở đó, các chuyên gia công nghệ FPT sẽ gặp gỡ, trao đổi thông tin về các xu hướng công nghệ thế giới và của mình và Giám đốc Công nghệ FPT Nguyễn Lâm Phương sẽ chia sẻ với chủ đề "Xây dựng năng lực công nghệ để hỗ trợ chiến lược về các dịch vụ thông minh."

FPT Software sẽ trao đổi về việc đầu tư vào các hệ thống thông minh để cung cấp những giá trị gia tăng. FPT IS trình bày về Kiến trúc hạ tầng thông tin quốc gia và các cơ hội của đơn vị… Rất nhiều những hướng công nghệ mới cũng sẽ được trình bày. Nhưng như đã phân tích ở bài 1, giá trị thương hiệu đi liền với công nghệ của FPT đã có, và giờ chỉ cần phát triển nó lên.

Và vị Tổng giám đốc của FPT- cũng như Hội đồng quản trị của FPTdù là ai, thì cần đi thẳng vào cánh cửa đó thay vì cái gì cũng muốn./.

Bài 1: FPT: Lại việc chiếc ghế CEO và giá trị thương hiệu

Bài 3: Công nghệ : Bài học" Nhất nghệ tinh-nhất thân vinh"

Hàn Phi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục