Tranh thủ giải quyết sớm đống việc ngổn ngang ở công ty, chị Bùi Phương Thảo (Long Biên, Hà Nội) tất tả ghé qua chợ mua chút đồ ăn, sau đó đón con từ trường về nhà rồi lao vào bếp nấu nướng.
Nhưng khi nấu xong bữa cơm thì nhận được tin nhắn từ chồng: "Anh đi nhậu, em ăn cơm trước nhé."
Đàn ông lười làm việc nhà
Chỉ cần lướt qua một quán nhậu sau giờ tan tầm, chị Thảo có thể cảm nhận được ngay: mình không cô đơn. Ngoài kia, có biết bao cô vợ đang hòa vào dòng người vội vã, luồn lách qua những dãy phố tấp nập để về nhà đón con, nấu nướng trong khi những người chồng của họ có thể đang ngồi thoải mái... ở quán bia hơi.
Kết quả một khảo sát được thực hiện từ năm 2022 cho thấy gần 50% phụ nữ chia sẻ họ phải làm việc nhà vì không ai làm.
Theo báo cáo phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động-Việc làm của Tổ chức Lao Động quốc tế, phụ nữ trung bình dành số giờ gấp đôi nam giới để làm việc nhà. Thậm chí, 20% đàn ông Việt không hề làm việc nhà.
Theo báo cáo phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động-Việc làm của Tổ chức Lao Động quốc tế, phụ nữ trung bình dành số giờ gấp đôi nam giới để làm việc nhà. Thậm chí, 20% đàn ông Việt không hề làm việc nhà. Gánh nặng công việc gia đình dồn lên vai người phụ nữ.
Không chỉ có phụ nữ Việt Nam, những người phụ nữ Nhật Bản cũng cảm thấy bực bội vì chồng không chia sẻ việc nhà.
Theo kết quả của một cuộc khảo sát hằng năm của Viện nghiên cứu tư nhân Shufu Job Shoken, 55,3% số người vợ ở Nhật Bản “không hài lòng” với khối lượng công việc nhà mà chồng họ đảm nhận.
Gần 40% cho biết họ không hài lòng vì chồng chỉ “giúp đỡ một chút,” trong khi 15,5% cho biết chồng không bao giờ nấu nướng, dọn dẹp hay chăm sóc con cái.
Đây là "mức độ không hài lòng" cao nhất của phụ nữ Nhật Bản được viện nghiên cứu có trụ sở tại Tokyo ghi nhận kể từ khi bắt đầu nghiên cứu cách đây 3 năm.
Khoảng 16,7% trong số 510 người được hỏi cho biết chồng họ đã làm “đủ” và hài lòng với sự chia sẻ đó, trong khi 28% cho biết bạn đời của họ đã làm “một chút" và họ không phàn nàn gì.
Fumiyo Hayashi, một cư dân 51 tuổi ở thành phố Yokohama, Nhật Bản, cho biết: “Chồng tôi không nấu ăn, không giặt giũ và không bao giờ dọn dẹp nhà cửa. Anh ấy có đổ rác mỗi sáng nhưng là bởi tiện đường đi làm."
Hayashi ước chồng có thể làm nhiều việc nhà hơn, nhưng dù sao cô cũng thấy may vì hai người không cãi cọ nhau về chuyện này.
Câu chuyện đàn ông không làm việc nhà không chỉ xảy ra ở châu Á, nơi quan niệm "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" đã in sâu trong tiềm thức mỗi người, từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Theo một khảo sát thực hiện với các hộ gia đình Mỹ trong năm 2022, 70% phụ nữ làm tất cả hoặc hầu hết việc nhà.
Khoa học nói gì về điều này?
Tom McClelland, giảng viên khoa Lịch sử và Triết học tại Đại học Cambridge, cho biết không thể dùng hiểu biết thông thường để giải thích cho sự bất bình đẳng kéo dài và việc nhiều nam giới thờ ơ với công việc gia đình, mà phải dùng khoa học.
"Sự bất bình đẳng này có thể được giải thích bằng 'thuyết tương tác,' tức là đề cập đến những hành động ngầm mà con người cảm nhận được khi gặp các đối tượng và tình huống nhất định," McClelland nói trong kết quả đăng trên tạp chí Philosophy and Phenomenological Research.
Ví dụ, khi một người phụ nữ bước vào bếp, cô ấy sẽ nhìn thấy bát đĩa đang chờ rửa và cần mua thêm đồ cho tủ lạnh. Trong khi đó, đàn ông có thể cũng nhìn thấy bát đũa bẩn, phòng bếp bừa bộn hay chiếc tủ lạnh trống rỗng, nhưng không cảm nhận được sự "thôi thúc về tinh thần" để phải dọn dẹp ngay. Theo thời gian, những khác biệt nhỏ này tạo nên sự chênh lệch đáng kể về những việc phụ nữ làm, còn đàn ông thì không.
Điều này cũng có thể lý giải cho những lời phàn nàn rất cụ thể được liệt kê trong nghiên cứu của Shufu Job Shoken như: anh ấy không cuộn tất lại mà vứt chúng trên sàn thay vì cho chúng vào máy giặt.
Một số phụ nữ cho biết chồng họ “thiếu nhận thức” về những công việc gia đình cần phải làm, nghĩa là công việc đó bị bỏ qua cho đến khi người vợ phải "xắn tay áo" vào cuộc.
Nhưng các chuyên gia nói rằng nghiên cứu này không nhằm khuyến khích đàn ông chối bỏ trách nhiệm hay bào chữa cho họ.
Không đáp ứng tiêu chuẩn của vợ
Một nguyên nhân khác gây xích mích trong vấn đề việc nhà của các gia đình là các ông chồng không đáp ứng được tiêu chuẩn của vợ.
Takako Tomura, 43 tuổi, đến từ quận Kanagawa, Nhật Bản, nói: “Chồng tôi thực sự rất chăm làm việc nhà và anh ấy thường xuyên dọn dẹp phòng tắm, nhà vệ sinh và lối vào căn hộ của chúng tôi. Tôi rất vui vì điều này."
“Nhưng đôi khi tôi nghĩ mình có thể làm những công việc nhà nhanh hơn và tốt hơn anh ấy,” cô nói. “Vì vậy, tôi đợi cho đến khi anh ấy đi ra ngoài và làm mọi việc theo cách tôi muốn. Tôi đánh giá cao anh ấy nhưng tôi vẫn sẽ làm lại.”
Tương tự như Takako Tomura, nhiều người vợ mặc định trong đầu rằng "chắc làm không ra gì đâu?" khi giao việc nhà cho chồng.
Trong một cuộc khảo sát ở Mỹ, một số phụ nữ nói rằng họ thà giao việc cho con còn hơn cho chồng. Những người vợ giành việc rửa bát vì nghĩ chồng không rửa sạch bằng mình; giành việc nấu cơm vì chồng nấu không ngon bằng mình...
Tuy nhiên, theo thống kê, phần lớn số người làm đầu bếp trên thế giới là đàn ông. Điều này cho thấy thực chất, đàn ông hoàn toàn có khả năng nấu nướng, nội trợ như người phụ nữ.
Tín hiệu vui
Sumia Kawakami, giảng viên tại Đại học Yamanashi Gakuin, Nhật Bản, người tập trung vào các vấn đề về phụ nữ và giới tính, cho biết đã có sự thay đổi dần dần trong quan điểm của các gia đình ở Nhật Bản và các cặp vợ chồng thuộc thế hệ trẻ tốt hơn trong việc chia sẻ trách nhiệm trong nhà.
Cô nói: “Trước đây, phụ nữ thường phải lựa chọn theo 'con đường sự nghiệp' hoặc 'gia đình' và những người ưu tiên gia đình hơn sự nghiệp thường phải làm việc tại nhà và nuôi dạy con cái.
“Nhưng tôi lạc quan rằng điều đó đang thay đổi,” cô nói thêm. “Tôi thấy thế hệ đàn ông trẻ đang làm nhiều việc nhà hơn và đón con thường xuyên hơn. Điều này không xảy ra cách đây vài năm."
Trong khi đó, một cuộc khảo sát của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam vào năm 2022 cũng phản ánh một sự thay đổi khá tích cực về vấn đề chia sẻ việc nhà trong thế hệ trẻ Việt Nam.
Một nửa trong số 2.000 người trẻ thành thị tham gia khảo sát cho biết họ chia sẻ đều trách nhiệm chăm con với chồng/vợ mình. Trong khi đó, chỉ 1/3 số người này cho biết họ sống trong một gia đình có sự chia sẻ công việc nhà giữa bố mẹ.
Thêm vào đó, những chính sách của nhà nước cũng góp phần thúc đẩy sự thay đổi tư duy của những người đàn ông về việc chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái.
Chẳng hạn như Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con.
"Nếu một người đàn ông có nhiều thời gian nghỉ phép hơn để chăm sóc con cái, anh ta sẽ dần hình thành được thói quen thấy việc là làm, chứ không cần phải nhắc nhở... và điều đó sẽ dẫn đến sự phân bổ việc nhà giữa hai giới công bằng hơn trong tương lai," Tom McClelland, giảng viên khoa Lịch sử và Triết học tại Đại học Cambridge, cho biết./.
Giải pháp xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới
Chủ tịch TW Hội Liên hiệp Phụ nữ cho biết, bên cạnh những điểm sáng tích cực, công tác phụ nữ vẫn còn không ít những hạn chế, thách thức, cần được tiếp tục quan tâm giải quyết trong thời gian tới.