Chia sẻ phương án hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với COVID-19

Bên cạnh những nội dung mang tính chuyên môn, cuộc họp Ban điều hành ASOSAI đã thảo luận, đưa ra những phương án nhằm hỗ trợ các thành viên ASOSAI trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19.
Chia sẻ phương án hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với COVID-19 ảnh 1Chủ tịch ASOSAI, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 27/7, Cuộc họp Ban điều hành Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán Tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 55 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021.

Bên cạnh những nội dung mang tính chuyên môn, cuộc họp đã thảo luận, đưa ra những phương án nhằm hỗ trợ các thành viên ASOSAI trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, thế giới đã và đang phải trải qua thời kỳ khủng hoảng chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra. Đây là một tình huống khẩn cấp và tất cả chúng ta đều chưa có bất kỳ sự chuẩn bị nào để sẵn sàng ứng phó cho điều đó.

Giống như hầu hết các tổ chức công trong hệ thống chính trị của mỗi quốc gia, cơ quan kiểm toán tối cao phải đối mặt với hàng loạt các thách thức về mặt khoảng cách, di chuyển, sự bất ổn, chính sách làm việc tại nhà và thậm chí đóng cửa văn phòng làm việc.

Hơn lúc nào hết, vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong việc hỗ trợ chính quyền, doanh nghiệp và người dân để đối phó với khủng hoảng dịch COVID-19 càng được đề cao.

Tùy vào bối cảnh và điều kiện thực tế ở mỗi quốc gia, các cơ quan kiểm toán tối cao sẽ chủ động đề xuất và tìm ra những giải pháp phù hợp để kịp thời ứng phó với đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay và sẽ còn tiếp tục kéo dài trong thời gian nữa.

[Khai mạc Cuộc họp trực tuyến Ban điều hành ASOSAI lần thứ 55]

Báo cáo gần đây trên website Đại hội Đại hội Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INCOSAI) lần thứ 23 cho biết các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới đã và đang tiến hành kiểm toán các khoản chi tiêu công được sử dụng để thực thi các giải pháp chống virus SARS-CoV-2, những gói mua sắm lương thực và đồ dùng thiết yếu phục vụ hỗ trợ công tác xã hội, đồng thời đánh giá các cơ chế chính sách khuyến khích tài chính hiện hành.

Việc đánh giá mang tính chất định tính về tính hiệu quả và hiệu lực của chính sách công trong các quyết sách của chính phủ đòi hỏi phải có thời gian song nhiều cơ quan kiểm toán tối cao bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Ví dụ, Cơ quan kiểm toán tối cao Colombia khi phân tích việc phân bổ tín dụng hỗ trợ ngành nông nghiệp và sản xuất lương thực nhận thấy 90% quỹ tín dụng được phân bổ cho các doanh nghiệp thực phẩm lớn, trong khi khối doanh nghiệp nhỏ mới là động lực tạo việc làm đáng kể trong thời kỳ đại dịch.

Cơ quan kiểm toán tối cao Panama triển khai chương trình hỗ trợ cho Bộ Phát triển nông nghiệp nhằm đảm bảo tính minh bạch trong việc thu mua và phân phối sản phẩm thông qua các chương trình hỗ trợ xã hội.

Cơ quan kiểm toán tối cao Mỹ thực hiện đánh giá "Những bữa ăn học đường trong đại dịch COVID-19" nhằm cung cấp thức ăn cho học sinh tiểu học và trung học dưới 18 tuổi thuộc đối tượng gia đình có thu nhập thấp trong kỳ nghỉ hè. Giữa đại dịch COVID-19, việc tính toán chính xác số lượng sinh viên tiếp nhận bữa ăn trong khuôn khổ chương trình là rất cần thiết. Cơ quan kiểm toán tối cao Mỹ đã đưa ra 4 khuyến nghị trong báo cáo kiểm toán mới phát hành.

Nhìn nhận một cách khách quan, những nhóm dễ tổn thương có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2 và đồng nghĩa với việc có cơ hội ít hơn để giành giật sự sống. Vì vậy, khi xây dựng các chính sách và chương trình hỗ trợ, các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước cần xem xét mức độ bao phủ "đồng đều và toàn diện" để đảm bảo sự chấp hành quyền và lợi ích của người yếu thế trong quá trình thế giới chống chọi với sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Mặc dù nhiều giải pháp đã được thực thi để đảm bảo sự tiếp cận của nhóm dễ tổn thương tới các dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục và việc làm, song trong không ít trường hợp, những hạn chế bắt buộc đã tạo nên những tác động tiêu cực đến điều kiện sống của nhóm dễ tổn thương. Điều này cần có sự phân tích chính sách chính phủ một cách tổng thể, toàn diện đặt trong bối cảnh hiện tại và sự nỗ lực chung tay của nhà nước, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp.

Chia sẻ phương án hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với COVID-19 ảnh 2Các đầu cầu tại cuộc họp trực tuyến Ban điều hành ASOSAI lần thứ 55. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng đã có những quyết định kịp thời để đảm bảo bộ máy làm việc vẫn tiếp tục được vận hành để hoàn thành kế hoạch năm đã đề ra, trong đó có việc điều chỉnh kế hoạch kiểm toán năm, tăng cường thời gian làm việc tại nhà và văn phòng, giảm thời gian kiểm toán thực địa, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản trị hành chính và kiểm toán.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm phù hợp với tình hình thực tế và chủ trương của nhà nước để hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khủng hoảng.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tập trung vào việc đánh giá việc điều hành ngân sách nhà nước năm 2020 do ảnh hưởng của COVID-19 (giảm thu ngân sách, giải pháp hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thuế và phí... cho các đối tượng kiểm toán…); các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn như thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, gia hạn thời hạn nộp thuế đất và tiền thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ; lựa chọn chủ đề kiểm toán thuộc các lĩnh vực được dư luận đặc biệt quan tâm trong giai đoạn này là quản lý giá điện, xăng dầu, lương thực… là những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến hoạt động của doanh nghiệp và cuộc sống người dân.

Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng tăng cường kiểm toán các gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19, việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19.

Cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 55 là thời điểm phù hợp và cơ hội để các cơ quan kiểm toán tối cao thành viên thảo luận và chia sẻ những sáng kiến, cách thức và phương pháp mới làm sao tăng cường được trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan kiểm toán tối cao trong những tình huống khẩn cấp hoặc trong việc ứng phó với những vấn đề mới nổi.

Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế Các cơ quan Kiểm toán Tối cao (INTOSAI) tiến hành khảo sát nhu cầu của các cơ quan kiểm toán tối cao để làm cơ sở xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ phù hợp trong thời gian tới, đồng thời điều chỉnh kế hoạch đào tạo và tăng cường năng lực sang hướng tổ chức theo hình thức trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến và trực tiếp đối với những chương trình dài hạn.

Đặc biệt, gần đây, ASOSAI đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Sáng kiến Phát triển INTOSAI (IDI) và Ủy ban chia sẻ kiến thức INTOSAI triển khai chương trình kiểm toán hợp tác toàn diện từ 2020-2023 theo hướng tiếp cận mục tiêu phát triển bền vững 3D về chủ đề "Hệ thống y tế quốc gia vững mạnh và nhanh chóng phục hồi" với việc mời và tài trợ chi phí cho đại biểu của 26 quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương tham gia...

Theo Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, Tổ chức các cơ quan Kiểm toán Tối cao châu Á hoàn toàn có thể tổ chức Hội thảo chuyên đề tập trung chia sẻ những bài học kinh nghiệm, thông lệ tốt và giải pháp hiệu quả mà các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới đang thực hiện thành công để nhìn nhận rõ hơn vai trò của cơ quan kiểm toán tối cao trong ứng phó với đại dịch COVID-19 nói riêng cũng như các vấn đề khẩn cấp của quốc gia và khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục