Ngày 16/10, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc (KWDI) phối hợp tổ chức Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ 3.
Diễn đàn gồm 2 phiên với chủ đề "Phụ nữ tham gia chính trị" và "Tăng cường hiệu quả tham gia của phụ nữ trong hoạt động kinh tế."
Chương trình còn có buổi làm việc giữa các doanh nhân nữ Việt Nam với các đại biểu Hàn Quốc nhằm giới thiệu sản phẩm và trao đổi nhu cầu hợp tác giữa các bên.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa đánh giá Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam-Hàn Quốc lần này đề cập đến sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động kinh tế và các lĩnh vực của xã hội; là dịp để đại biểu hai nước cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về các chính sách và hoạt động nhằm phát huy năng lực, sức sáng tạo của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống vì quyền lợi của phụ nữ cũng như sự phát triển của đất nước.
Theo thống kê, phụ nữ Việt Nam chủ yếu làm trong ngành nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, gia công, chế biến thủy hải sản..., thu nhập còn thấp.
Bên cạnh đó, phụ nữ thường tham gia vào các công việc không chính thức và dễ bị tổn thương, chỉ có 24,22% phụ nữ làm việc ở các công việc phi nông nghiệp trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 35,5%. Tỷ lệ thu nhập của nữ so với nam chỉ là 0,69.
Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ, bà Lee Sun Min, Phó phòng nghiên cứu Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc cho biết phụ nữ đang chịu nhiều hạn chế trong cơ hội, điều kiện tham gia các hoạt động kinh tế và các lĩnh vực của xã hội.
Thực trạng "gián đoạn việc làm" do kết hôn, mang thai, sinh nở, nuôi con nhỏ... ở phụ nữ đang xảy ra phổ biến ở nhiều quốc gia. Trong khi đó, chính sách của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ phụ nữ bị gián đoạn công việc còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa có sự quan tâm, tác động cần thiết.
Để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động kinh tế và các lĩnh vực của xã hội, bà Lee Sun Min cho rằng cần đảm bảo sự tham gia tích cực của các cơ quan công quyền trong việc duy trì, nâng cao năng lực làm việc của phụ nữ; tăng cường phát hiện, nhân rộng các điển hình phụ nữ làm chủ doanh nghiệp; hình thành và nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới; có chính sách xoá bỏ định kiến việc nhà, trông nom chăm sóc là trách nhiệm của phụ nữ và cân bằng công việc gia đình giữa nam giới và phụ nữ.
Về tình hình phụ nữ tham gia chính trị tại Việt Nam, thạc sỹ Trần Thị Lan, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết một số tiêu chí về tỷ lệ nữ lãnh đạo nhiều nhiệm kỳ chưa đạt mục tiêu Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và có xu hướng giảm.
Cán bộ nữ ở vị trí ra quyết định và hoạch định chính sách chiếm tỷ lệ thấp (Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2015 chỉ đạt 3-4%). Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở một số lĩnh vực, một số địa phương có chiều hướng đi xuống và không vững chắc.
Đề xuất nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, thạc sỹ Trần Thị Lan kiến nghị cần tăng cường các kênh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia, đặc biệt về việc thành lập và hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề phụ nữ; thúc đẩy lồng ghép giới trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội; có các chương trình, chính sách mang tính đặc thù dành riêng cho phụ nữ.
Tại diễn đàn, các đại biểu còn đề xuất các hoạt động hợp tác giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc trong thời gian tới nên chú trọng tập trung vào những nội dung như tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm hai bên trong lĩnh vực: luật pháp, chính sách; văn hóa, phong tục tập quán; giáo dục, lao động, việc làm; Kinh nghiệm triển khai hoạt động hỗ trợ phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân quốc tế Việt Nam-Hàn Quốc; Triển khai các chương trình hỗ trợ phụ nữ di trú và trẻ em các gia đình văn hóa nhằm tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, gắn bó hai bên; Kết nối mạng lưới với các cơ quan chức năng của mỗi nước để hỗ trợ phụ nữ kết hôn di trú trong trường hợp cần trợ giúp ở mỗi nước; Nghiên cứu, khảo sát tình hình và những quy định của pháp luật hai nước về hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài để kiến nghị, đề xuất với Chính phủ có những chương trình hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em các gia đình đa văn hóa./.