Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Thư viện Quốc hội

Các chuyên gia, cán bộ Văn phòng Quốc hội đã thảo luận về kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và vận hành Thư viện Quốc hội.
Ngày 11/10, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Viện Konrad Adenauer của Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức hội thảo quốc tế về chủ đề “Kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của Thư viện Quốc hội một số nước trên thế giới.”

Diễn đàn này là cơ hội để các chuyên gia quốc tế, cán bộ, công chức Văn phòng Quốc hội và đại diện các cơ quan hữu quan trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và vận hành Thư viện Quốc hội.

Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết việc xây dựng Thư viện Quốc hội Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin nghiên cứu ngày càng cao của đại biểu Quốc hội; nâng cao chất lượng công tác thông tin, nghiên cứu phục vụ đại biểu Quốc hội; phát huy hiệu quả nguồn tài liệu và dữ liệu hiện có, qua đó hoàn thiện bộ máy giúp việc của Quốc hội theo hướng hiện đại.

Trao đổi tại hội thảo, tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng đặt vấn đề nên lựa chọn mô hình nào cho Thư viện Quốc hội Việt Nam. Phụ thuộc vào mô hình được lựa chọn, Thư viện Quốc hội có thể có các chức năng về lưu trữ; cung cấp thông tin, dịch vụ nghiên cứu; lưu chiểu; phục vụ độc giả. Trên cơ sở chức năng được xác định, Thư viện Quốc hội sẽ được thiết lập cơ cấu, tổ chức.

Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng việc xây dựng nguồn lực cho Thư viện Quốc hội cũng là một thách thức không nhỏ, trong đó có nguồn lực con người; nguồn lực thông tin, tư liệu; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; nguồn lực về tài chính; nguồn cộng tác viên; liên kết với hệ thống thư viện các nước...

Ông Kazuto Yamaguchi, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu của Thư viện Quốc hội Nhật Bản đã giới thiệu với các đại biểu dự hội thảo về tổ chức và hoạt động của Thư viện Quốc hội Nhật Bản.

Thư viện Quốc hội Nhật Bản cung cấp dịch vụ thư viện và dịch vụ nghiên cứu tới các đại biểu Quốc hội (cả các ủy ban và Văn phòng của cả hai Viện, các đảng chính trị); cung cấp dịch vụ thư viện cho các cơ quan hành pháp và tư pháp; cung cấp dịch vụ thư viện tới người dân Nhật Bản.

Ông Kazuto Yamaguchi đánh giá điểm mạnh trong tổ chức thư viện Quốc hội theo mô hình Nhật Bản là khả năng tiếp cận nguồn tài liệu, thông tin rộng và toàn diện được tập hợp có hệ thống. Tuy nhiên, điểm hạn chế là khó đào tạo chuyên gia do tổ chức của thư viện lớn, nhiều loại hình dịch vụ cần cung cấp và sự sắp xếp lại về nhân sự thường xuyên.

Ông cũng đưa ra khuyến nghị liên quan đến việc thành lập Thư viện Quốc hội Việt Nam. Theo ông, cần huy động các nhà nghiên cứu trong mỗi lĩnh vực chính sách để cung cấp dịch vụ nghiên cứu cho Quốc hội; tiếp cận các nguồn thông tin kỹ thuật số; hợp tác với các cộng đồng học giả; hợp tác với Thư viện quốc gia và các thư viện công khác...

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe chuyên gia nghiên cứu cao cấp về công tác lập pháp, cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Hàn Quốc; chuyên gia cao cấp của cơ quan nghiên cứu Hạ viện Australia chia sẻ về mối quan hệ giữa dịch vụ nghiên cứu lập pháp và Thư viện Nghị viện, trong việc cung cấp thông tin cho các nghị sỹ ở Hàn Quốc cũng như dịch vụ nghiên cứu lập pháp tại Thư viện Quốc hội Australia...

Các ý kiến trao đổi tại hội thảo sẽ cung cấp thêm các thông tin hữu ích phục vụ quá trình xây dựng Đề án thành lập Thư viện Quốc hội Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng công tác cung cấp thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục