Ngày 26/10, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng vụ Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ tổ chức “Đối thoại lao động và chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy an ninh việc làm Việt Nam-Thụy Sĩ.”
Tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh chia sẻ trải qua 50 năm, quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sĩ đã có nhưng bước tiến đáng kể trên tất cả các lĩnh vực.
Hợp tác trong lao động, việc làm và an sinh xã hội cũng được quan tâm thúc đẩy trên cơ sở quan hệ giữa hai Bộ được thiết lập từ năm 2011.
Thứ trưởng cho biết đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khiến nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời, ảnh hưởng lớn đến đời sống, thu nhập của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động tại Việt Nam.
[Thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt Nam-Thụy Sĩ]
Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Nhấn mạnh vai trò của chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực lao động, việc làm thông qua các chính sách xuyên suốt về bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tiền mặt hay hiện vật đang được triển khai, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định: các chính sách này là chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh dịch bệnh đang tác động lên nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Thụy Sĩ về việc làm thông qua những cơ chế hợp tác hiệu quả hiện có và tìm kiếm những cơ hội hợp tác trong tương lai.
Tại buổi đối thoại, Đại sứ Valérie Berset Bircher (Tổng vụ Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ) chia sẻ do dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường lao động, tình hình việc làm của Thụy Sĩ nói riêng và của các quốc gia trên thế giới nói chung bị ảnh hưởng nặng nề.
Vì vậy, bên cạnh chính sách giúp kiểm soát dịch bệnh, các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, chính sách tái tạo việc làm nhằm phục hồi nền kinh tế đã trở thành một trong những chính sách được quan tâm hàng đầu của các Chính phủ, đặc biệt là Chính phủ Thụy Sĩ.
“Trong hai năm vừa qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, có thể nói vấn đề việc làm đã trở thành mối quan tâm chung giữa hai bộ nói riêng và giữa Việt Nam-Thụy Sĩ nói chung,” Đại sứ Valérie Berset Bircher nhận định.
Đại sứ Valérie Berset Bircher cho biết buổi đối thoại là cơ hội để hai bộ thảo luận và chia sẻ về các nội dung liên quan đến thị trường lao động, duy trì và tạo việc làm, những mô hình, giải pháp hiệu quả nhằm khôi phục thị trường lao động, hướng tới đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động sau COVID-19.
Tại buổi đối thoại, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về các chính sách bảo hiểm thất nghiệp ứng phó với COVID-19 của hai Bộ.
Về phía Thụy Sĩ, bà Dorit Griga, Giám đốc cao cấp về Quan hệ quốc tế, đã thông tin về các đặc điểm cơ bản của thị trường lao động Thụy Sĩ; bảo hiểm thất nghiệp và dịch vụ việc làm vông trong bối cảnh COVID-19 giúp duy trì và tạo việc làm; những kết quả đạt được của chính sách bù đắp công việc trong ngắn hạn của Thụy Sĩ (STWC).
Về phía Việt Nam, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã thông tin cập nhật về các chính sách việc làm và bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động duy trì công việc; các chính sách hỗ trợ của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đối với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đợt dịch lần thứ 4.
Trong thời gian tới, Việt Nam-Thụy Sĩ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực vực lao động và việc làm thông qua các chương trình dự án truyền thống như SCORE, BETTER WORK, đặc biệt là hợp tác tầm chính sách với dự án “Hệ thống sinh thái về năng suất lao động hướng tới việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2024.”
Trong khuôn khổ buổi đối thoại, hai bên đã cùng thảo luận về định hướng hợp tác trong tương lai với trọng tâm hợp tác trong lĩnh vực lao động và việc làm, các cuộc họp bên lề Hội nghị thường niên của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế)./.