Với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, sáng 28/8, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội thảo với chủ đề “Phân tích, so sánh mô hình cơ quan độc lập chống tham nhũng của một số nước.”
Phó Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam Bakhodir Burkhanov và Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh chủ trì hội thảo.
Khai mạc hội thảo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nêu rõ chống tham nhũng đã trở thành mối quan tâm chung của cả cộng đồng quốc tế. Với quan điểm coi tham nhũng là nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ, sự phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải tiến hành kiên trì, kiên quyết, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam là thành viên tích cực tham gia quá trình xây dựng Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký công ước này. Năm 2009, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của công ước này.
Hội thảo là cơ hội để các đại biểu được tiếp cận với những thông tin quý báu, những kinh nghiệm, bài học hữu ích từ thực tế hoạt động và tổ chức của các cơ quan chống tham nhũng ở một số quốc gia, qua đó giúp các cơ quan liên quan của Việt Nam có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện bộ máy tổ chức các cơ quan chống tham nhũng.
Hội thảo giới thiệu khái quát những nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế về tính độc lập của cơ quan chống tham nhũng; báo cáo tổng thuật về phân tích các mô hình cơ quan chống tham nhũng trên thế giới - nhìn lại Việt Nam. Đặc biệt, các chuyên gia quốc tế giới thiệu về mô hình tổ chức các cơ quan độc lập chống tham nhũng được đánh giá tác động hiệu quả cao tại Philippines và Singapore.
Nghiên cứu một số mô hình đặc trưng của cơ quan chống tham nhũng trên thế giới, tiến sỹ Đào Lệ Thu, Đại học Luật Hà Nội cho biết các hình thức cơ quan chống tham nhũng trên thế giới có thể được chia làm 4 loại dựa vào chức năng và nhánh quyền lực mà cơ quan trực thuộc gồm mô hình phổ quát là một cơ quan đa chức năng; mô hình cơ quan điều tra; mô hình cơ quan thuộc nghị viện; mô hình đa cơ quan phòng chống tham nhũng. Ngoài ra, một vài quốc gia thành lập đơn vị chống tham nhũng đặc biệt thuộc cơ quan công tố. Việt Nam xây dựng mô hình đa cơ quan phòng chống tham nhũng.
Trên cơ sở phân tích so sánh mô hình cơ quan độc lập chống tham nhũng của một số nước, các đại biểu cho rằng sự ra đời của các cơ quan hoặc đơn vị có chức năng chuyên trách về chống tham nhũng đều gắn với bối cảnh và yêu cầu khách quan của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của quốc gia, không phân biệt sự khác biệt về chế độ chính trị, hình thức cấu trúc nhà nước.
Xây dựng Cơ quan chống tham nhũng từ lâu đã được xem là một trong những chiến lược cơ bản và lâu dài để chống tham nhũng tại nhiều quốc gia. Từ những nguyên tắc được đề ra trong các văn bản pháp lý quốc tế và những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn quốc tế, có thể thấy rằng muốn có một cơ quan hoặc hệ thống cơ quan chống tham nhũng hoạt động hiệu quả cần phải xây dựng một khung pháp lý vững chắc và toàn diện cho hoạt động của cơ quan này. Hệ thống cơ quan chống tham nhũng phải được bảo đảm tính độc lập, thực quyền và trách nhiệm, tính chuyên môn hóa cao và sự điều phối chặt chẽ trong hoạt động.
Thực tế của Singapore và Philippines cho thấy quyết tâm chính trị “không khoan nhượng với tham nhũng” là yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến công tác chống tham nhũng. Để công tác chống tham nhũng có hiệu quả, cần phải được xây dựng trên bốn trụ cột là pháp luật có hiệu lực; tư pháp độc lập; thực thi pháp luật có hiệu quả và bộ máy công vụ luôn đáp ứng nhu cầu.
Ngoài ra, sự độc lập của cơ quan chống tham nhũng được xác định là yêu cầu căn bản để bảo đảm tính hiệu quả và cho phép cơ quan này tránh được những ảnh hưởng tiêu cực từ các chủ thể có quyền lực.
Nhiều ý kiến cho rằng việc nghiên cứu, tìm hiểu một số mô hình cơ quan chống tham nhũng đang hoạt động có hiệu quả ở nước ngoài, nhất là những quốc gia có nhiều điểm tương đồng về kinh tế, văn hóa, xã hội trong sự liên hệ với bối cảnh chống tham nhũng để tiếp thu, vận dụng những kinh nghiệm, tiến bộ, vừa là nhu cầu vừa là đòi hỏi đối với các quốc gia đang đối mặt với những thách thức của vấn nạn tham nhũng, trong đó có Việt Nam.
Đối với Việt Nam, những kinh nghiệm quốc tế về mô hình cơ quan chống tham nhũng là rất đáng lưu ý, cần nghiên cứu, tiếp thu các hạt nhân hợp lý. Trước mắt, Việt Nam cần tiếp tục duy trì mô hình đa cơ quan phòng, chống tham nhũng như hiện nay, trong đó, sự lãnh đạo của Đảng là hạt nhân của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đồng thời, cần xác định vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, vai trò của Ban Nội chính Trung ương với tư cách là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo trong lãnh đạo, điều hành, điều phối hoạt động các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng.
Mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hiện nay đã tạo ra sự gắn kết vai trò lãnh đạo của Đảng với việc thảo luận trách nhiệm của Nhà nước thể hiện trực tiếp bằng hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng.
Để duy trì và củng cố hệ thống cơ quan phòng, chống tham nhũng hiện có, Việt Nam cần tiến hành sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng với việc quy định chi tiết và đầy đủ hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm phòng, chống tham nhũng của từng cơ quan, đơn vị chuyên trách, đồng thời nêu rõ quy trình và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ban, ngành nhằm nâng cao tính khả thi của Luật phòng, chống tham nhũng./.