Chia sẻ kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế

Ngày 26/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Chia sẻ kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Ngày 26/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Nhân lực y tế là một yếu tố quan trọng, là điều kiện tiên quyết quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế. Nhân lực y khoa rất đặc biệt bởi vì đây là nghề đặc biệt, được đào tạo đặc biệt, tuyển dụng đặc biệt và đãi ngộ đặc biệt.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: Cần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y khoa theo lộ trình. Việt Nam hiện có 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học nhưng chưa có Trung tâm đủ năng lực kiểm định về đào tạo y khoa. Vì vậy, Việt Nam cần có một cơ sở kiểm định chung và thành lập các chuẩn chương trình, lấy kinh nghiệm từ các nước, áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam sao cho phù hợp. Đồng thời, nước ta cũng cần thành lập một tổ chức như Hội đồng y khoa được Nhà nước ủy quyền nhưng không thuộc Bộ với sự tham gia của người làm công tác đào tạo, người trực tiếp tham gia khám chữa bệnh, người sử dụng nhân lực, cơ quan nhà nước và có thể có sự tham gia của người bệnh, nhân dân - người thụ hưởng dịch vụ y tế... Bộ Y tế cần phối hợp với Tổng Hội y học Việt Nam xây dựng đề án thành lập tổ chức này phù hợp với tình hình của Việt Nam...

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, ở Việt Nam, đào tạo nhân lực y tế đã được đặc biệt chú trọng trong những năm gần đây thông qua việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo; cùng với đào tạo chính quy còn có nhiều hình thức đào tạo khác như: cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo liên thông... với sự tham gia của nhiều cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập. Nhờ vậy, chỉ số bác sỹ trên một vạn dân ở nước ta trong thời gian qua đã được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên việc kiểm soát năng lực hành nghề của sinh viên sau tốt nghiệp hiện đang gặp nhiều thách thức. Xuất phát từ tầm trong trọng của việc đảm bảo chất lượng nhân lực y tế, tạo tiền đề nâng cao chất lượng y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2017/NĐ-CP qui định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, trong đó có nhiệm vụ "Qui định, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc thi để xét cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực y tế theo qui định của pháp luật". Thi để xét cấp chứng chỉ hành nghề là một giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của nhân lực y tế song đây là một việc làm mới chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Do vậy, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong nước là cần thiết.

Theo báo cáo của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), tại Việt Nam hiện nay ở bậc đại học có đào tạo các ngành về y khoa gồm: y đa khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt, y học dự phòng, điều dưỡng và dược; ở bậc cao đẳng và trung cấp đều đào tạo chuyên ngành điều dưỡng và dược. Bộ Y tế đã ban hành chuẩn năng lực cơ bản đối với bác sỹ đa khoa, bác sỹ răng hàm mặt, điều dưỡng và hộ sinh. Tuy nhiên, tiêu chí đặc thù về đào tạo nhân lực y tế chưa đầy đủ; qui mô đào tạo chưa gắn với nhu cầu và yêu cầu sử dụng của hệ thống y tế; chất lượng đào tạo không đồng đều; năng lực nghề nhiệp chưa gắn với vị trí việc làm, chưa phân định rõ các trình độ... Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đề xuất: Thời gian tới, Việt Nam cần thành lập cơ quan chủ trì quản lý hành nghề y tế (như Hội đồng y khoa); xác lập cơ chế kiểm soát chất lượng; tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nghề nghiệp cấp quốc gia để xét cấp chứng chỉ hành nghề.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục