Hội thảo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới và vấn đề hàng giả vi phạm nhãn hiệu, do Nhóm chuyên gia về quyền sở hữu trí tuệ (IPEG) tổ chức, khai mạc sáng 24/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ ba (SOM 3) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan.
Nội dung chính của hội thảo xoay quanh các vấn đề về thực thi quyền sở hữu trí tuệ như ảnh hưởng của việc vi phạm thương hiệu đối với chủ sở hữu, người tiêu dùng và nền kinh tế; vai trò của hải quan trong việc thực thi quyền tại biên giới; vấn đề về thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa bị xâm phạm và gây nhầm lẫn; xây dựng mối quan hệ hiệu quả giữa hải quan, văn phòng thương hiệu và khu vực tư nhân; những đề xuất và xu hướng phát triển thời gian tới…
[APEC 2017: Hội nghị SOM 3 trải qua một ngày làm việc bận rộn]
Chuyên gia từ một số nền kinh tế thành viên APEC tập trung chia sẻ kinh nghiệm thực thi quyền, cách thức tiến hành xử lý các hành vi xâm phạm quyền tại biên giới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mỗi nước sẽ có những quy định khác nhau và thông qua Hội thảo với các báo cáo hiện trạng tại các nước, sẽ có cái nhìn đa dạng hơn về cách thức xử lý vấn đề này, đặc biệt là gắn với các biện pháp ở mức cao hơn so với bình thường. Trong đó, kinh nghiệm từ các nước rất quan trọng với các nền kinh tế như Việt Nam, nhất là xử lý các hành vi xâm phạm đối với hàng xuất khẩu, hàng quá cảnh.
Trao đổi bên lề hội thảo, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, xử lý hành vi xâm phạm đối với hàng xuất khẩu, hàng quá cảnh là hai vấn đề vốn không nằm trong phạm vi quyền của chủ sở hữu, vì quyền chủ sở hữu chủ yếu khai thác trên thị trường nội địa, nơi mà quyền đã được đăng ký và ngăn hàng nhập khẩu để khai thác ở thị trường trong nước.
Tuy nhiên, hai vấn đề này được đặt ra khi nó ảnh hưởng đến quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ ở mức cao hơn.
Theo ông Lê Ngọc Lâm, nâng cao quyền sở hữu trí tuệ sẽ tốt cho chủ sở hữu nhưng lại ảnh hưởng đến các doanh nghiệp tiến hành vận chuyển hàng quá cảnh, làm hàng gia công xuất khẩu…
Các hoạt động gia công, quá cảnh chủ yếu ở các nước đang phát triển như Việt Nam, sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, để đảm bảo quyền cho chủ sở hữu thì cần kiểm soát vấn đề này, nâng cao trách nhiệm của các nhà sản xuất.
Tại hội thảo, các chuyên gia từ Việt Nam sẽ trình bày tham luận về thực trạng xử lý các hành vi xâm phạm khi vận chuyển hàng hóa qua biên giới hiện nay.
Hiện Việt Nam đang xử lý theo Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Hải quan trong khuôn khổ của TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ).
Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Lâm cho biết, các yêu cầu cao hơn hiện nay (về sở hữu trí tuệ) lại nằm ngoài TRIPS, nên rất có thể vấn đề này sẽ nằm trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà chúng ta thực hiện.
Do vậy, đây là cơ hội để chúng ta nhìn lại khi phải đối mặt với những yêu cầu cao về sở hữu trí tuệ, để có thể sẵn sàng có những biện pháp thực hiện thời gian tới./.