Sáng 17/3, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Dự án Pháp luật và Tư pháp (JICA) Nhật Bản tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam trong việc tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng.”
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến mạnh mẽ, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt.
Để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Để đạt được kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng có phần đóng góp không nhỏ của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu cho các cơ quan lãnh đạo của Đảng về các chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
[Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng với thế giới]
Ban Nội chính Trung ương được giao giúp Bộ Chính trị chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nói chung, pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng là cần thiết.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hải, trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn cho thấy, hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu, chưa gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật. Việc chấp hành pháp luật của một bộ phận cá nhân, tổ chức chưa nghiêm.
Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Công Hồng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết thời gian vừa qua nhằm tìm ra những giải pháp tốt để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, chúng ta đã hết sức cầu thị khảo sát, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của nhiều quốc gia, khu vực có thể chế chính trị khác nhau trên thế giới.
Cụ thể, đối với Hoa Kỳ và các nước Tây Âu nói chung, cách chống tham nhũng phổ biến là xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực đủ sức ngăn chặn các hành vi lạm quyền, chuyên quyền, sử dụng quyền lực vì mục đích tối đa hóa lợi ích của bản thân.
Các cơ chế kiểm soát quyền lực đó là những nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước như tam quyền phân lập, kiềm chế, đối trọng giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp; cạnh tranh chính trị giữa các đảng đối lập và sự tồn tại của các đảng đối lập trung thành, sự giám sát, phản biện xã hội của xã hội công dân đối với bộ máy nhà nước...
Những thể chế này khiến cho quyền lực luôn bị giới hạn trong khuôn khổ pháp luật, bị giám sát bởi nhiều chủ thể khác nhau, do đó tránh được tình trạng quyền lực quá tập trung dẫn đến việc độc đoán, chuyên quyền, tham nhũng trong thực thi quyền lực nhà nước.
Trong số đó, một nền tư pháp độc lập, hệ thống pháp luật hiệu quả (giảm bớt cơ hội tham nhũng), phát huy vai trò của xã hội (xã hội công dân), nền báo chí tự do, có trách nhiệm và nền đạo đức công vụ minh bạch là những nhân tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả của đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Ở châu Á, các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng có nhiều kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng, từ xây dựng thể chế (hệ thống pháp luật), xây dựng đội ngũ công chức có đạo đức và chuyên nghiệp, đến nâng cao nhận thức của người dân và tạo cơ chế để khuyến khích phát hiện, xử lý tham nhũng.
Nhật Bản có một số chế độ pháp luật về phòng, chống tham nhũng như Luật Kiểm soát Quỹ Chính trị, Luật liên quan đến việc công khai tài sản của các Nghị viện Quốc hội nhằm xây dựng đạo đức về chính trị, pháp luật liên quan đến xử phạt việc thu lợi từ hành vi môi giới của Nghị viện Quốc hội, các quy định chung đối với việc thông thầu, rửa tiền, hối lộ…
Ông Kono Ryuzo (cố vấn trưởng Dự án Pháp luật và Tư pháp JICA Nhật Bản) cũng đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam về phòng, chống tham nhũng như tăng cường công tác điều tra, truy tố của cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập; phối hợp với các cơ quan hành chính chuyên trách (như cơ quan cạnh tranh, cơ quan tài chính); thúc đẩy tính minh bạch của các giao dịch trong khu vực công (bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước); cấm quan chức cấp cao làm thêm, kiêm nhiệm và đảm bảo mức lương nhất định cho họ;...
Qua nghiên cứu, ông Nguyễn Hưng Quang, Trưởng Văn phòng Luật sư Quang và Cộng sự, Chủ tịch Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam cho biết, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước cho thấy, tùy thuộc vào thể chế chính trị, trình độ phát triển kinh tế-xã hội, điều kiện lịch sử và tập quán văn hóa, pháp lý, trình độ dân trí mà chiến lược, biện pháp phòng, chống tham nhũng của các quốc gia có những đặc điểm, yêu cầu riêng.
Nhìn chung, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, các quốc gia thường tập trung vào yếu tố như xây dựng hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng chặt chẽ và rõ ràng, đồng bộ với quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thanh liêm, đạo đức công vụ chuyên nghiệp với đầy đủ thẩm quyền để xử lý tham nhũng một cách vô tư, khách quan./.