Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nhà ở giá rẻ tại Việt Nam

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nhà ở giá rẻ là nội dung chính của Hội thảo về nhà ở xã hội tại Việt Nam, bài học kinh nghiệm, tổ chức sáng 12/3, ở Hà Nội.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nhà ở giá rẻ là nội dung chính của Hội thảo về nhà ở xã hội tại Việt Nam và bài học từ kinh nghiệm quốc tế do Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Hà Nội, sáng 12/3.

Phát triển nhà ở xã hội hay còn gọi là nhà ở giá rẻ đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện từ những năm 1960. Hiệu quả từ chương trình này đã mang lại phúc lợi xã hội tốt cho người dân. Từ những kinh nghiệm của quốc tế, Việt Nam đã và vẫn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách về nhà ở phù hợp với điều kiện thực tế, với mục tiêu giúp người có thu nhập thấp được cải thiện chỗ ở.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết không chỉ có người dân sống tại khu vực miền núi, nông thôn mà ngay cả dân đô thị và nơi tập trung các khu công nghiệp cũng đang có nhu cầu bức xúc về nhà ở. Hiện giá nhà ở tại Việt Nam vẫn cao so với thu nhập của người lao động nên việc cải thiện điều kiện nhà ở cho người dân cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, thậm chí thu hút cả nguồn lực giúp đỡ của quốc tế.

Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt cũng khẳng định phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế-xã hội đồng thời là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và cả người dân.

Trên cơ sở đó, hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật ra đời để cụ thể hóa chủ trương này như huy động các nguồn lực tham gia phát triển nhà ở xã hội, phân định trách nhiệm quyền hạn của người tham gia... Đặc biệt là gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp 30.000 tỷ đồng trực tiếp hướng vào người mua nhà thu nhập thấp. Tuy nhiên, quỹ nhà này hiện vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu của người dân và phải tìm giải pháp tăng nhanh số lượng.

Tại hội thảo, Giám đốc WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa nhận xét: Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, tăng 3,4% mỗi năm với khoảng 1 triệu dân chuyển dịch về các đô thị hàng năm. Điều này đã tạo áp lực lớn về nhu cầu nhà ở, đòi hỏi phải có phương thức giải quyết để tránh tình trạng nghèo đô thị, nghèo thành thị.

Các đô thị của Việt Nam đang thừa nhà cao cấp, thiếu nhà giá rẻ và phải tìm ra nguyên nhân để giải quyết tình trạng này. Đáp ứng nhà ở cho người dân cần tính đến cả lượng người di cư chứ không chỉ riêng những người có hộ khẩu chính thức.

Việt Nam vẫn may mắn vì không có các khu ổ chuột tại những đô thị lớn như nhiều nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, nếu không giải quyết triệt để vấn đề nhà ở cho người dân đô thị, cả người định cư không chính thức thì nguy cơ hình thành các khu ổ chuột là khó tránh khỏi.

Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2015, cả nước đạt 10 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó chủ yếu là chung cư; đồng thời, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 60% sinh viên, 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp; hoàn thành việc hỗ trợ cho khoảng 400.000 hộ gia định (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn.

Để đạt mục tiêu này, hiện dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi do Bộ Xây dựng đang thực hiện cũng có nhiều đổi mới và dành riêng một chương về nhà ở xã hội với các vấn đề cụ thể như hỗ trợ cải thiện, tài chính cho phát triển, quản lý sử dụng, thông tin cơ sở dữ liệu về loại hình nhà ở này.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia quốc tế về kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ từ thực tế đã được triển khai tại quốc gia đó.

Đây là cơ hội tốt giúp các nhà nghiên cứu, quản lý, hoạch định chính sách của Việt Nam tham khảo để hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở và kinh doanh bất động sản, đặc biệt là chính sách phát triển nhà giá rẻ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục