“Xã hội đang liên tục thay đổi, đòi hỏi các Chính phủ, các nền kinh tế và doanh nghiệp không ngừng vận động, đổi mới để có thể bắt kịp. Trong vòng quay đó, phát triển bền vững là hình thái phát triển duy nhất được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu và để phát triển bền vững không thể thiếu sự đóng góp của doanh nghiệp, ngược lại doanh nghiệp cũng cần phát triển bền vững để đảm bảo cho tương lai của chính mình.”
Nội dung trên được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam đưa ra tại Hội thảo chuyên đề “Quản trị doanh nghiệp bền vững trong một xã hội đang thay đổi” trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2020), ngày 25/9.
Thế giới biến đổi mạnh mẽ
Theo ông Lộc, chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại lại chứng kiến thế giới thay đổi nhiều và nhanh như lúc này. Trong nước, Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3-4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAN thông qua việc đẩy mạnh cải cách thể chế. Sự minh bạch hóa, đơn giản hóa nhằm rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính là giải pháp cứu cánh bền vững cho doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp và ý nghĩa lớn với an ninh kinh tế của quốc gia, các FTA giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhất định.
Cơ hội luôn đi kèm thách thức. Thách thức rõ ràng nhất ở đây là làm sao hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt có thể nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng giá trị cao của các tập đoàn quốc tế, từ đó giúp nắm bắt và khai thác hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên.
Ông Lộc nhấn mạnh giải pháp cốt lõi nhất, quan trọng nhất chính là doanh nghiệp cần phát triển bền vững và để phát triển bền vững thì doanh nghiệp cần có một nền tảng quản trị chuyên nghiệp.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận, học hỏi từ các thực tiễn, mô hình quản trị tốt chính là mục tiêu của hội thảo.
Ứng phó với khủng hoảng
Cũng theo ông Lộc, diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2020 với chủ đề “Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội” nhằm thúc đẩy đối thoại phát triển bền vững của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI).
Những nội dung trọng điểm được thảo luận tại Diễn đàn năm nay dự kiến sẽ là những bài học đúc rút từ đại dịch COVID-19 và những vấn đề then chốt cần được giải quyết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội bao trùm và bền vững trong thập niên 2021-2030, như quản trị doanh nghiệp bền vững, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tăng cường hợp tác công-tư để thực hiện phát triển bền vững.
Tại Hội thảo, bà Hà Thị Thu Thanh,Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Deloitte Việt Nam, Phó Chủ tịch VBCSD giới thiệu về Cẩm nang ứng phó, phục hồi, phát triển trong và sau khủng hoảng dành cho doanh nghiệp do VCCI và Deloitte Việt Nam phối hợp xây dựng.
“Đại dịch COVID-19 là thách thức lịch sử với lãnh đạo doanh nghiệp. Đợt dịch bệnh lần thứ hai, Việt Nam đang ở thời điểm doanh nghiệp bắt đầu lấy lại niềm tin về khả năng phục hồi được xem như giáng mạnh vào tinh thần của các doanh nghiệp. Với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp kiến tạo một hệ thống quản trị tốt vượt qua khủng hoảng, Deloitte cùng VCCI xây dựng và phát hành cẩm nang dựa trên thực tiễn tại Việt Nam kết hợp với những nghiên cứu về cách doanh nghiệp toàn cầu đã từng vượt qua những cuộc đại khủng hoảng trong quá khứ,” bà Thanh cho biết.
Cuốn cẩm nang chia thành ba phần đánh giá tình hình doanh nghiệp của doanh nghiệp trong khủng hoảng, đưa ra những nguyên tắc căn bản doanh nghiệp cần tuân thủ trong khủng hoảng và hướng dẫn vận dụng nguyên tắc cụ thể về lựa chọn những chiến lược phù hợp với các nguy cơ và cơ hội đặt ra trước doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestle Việt Nam, đồng Chủ tịch VBCSD đã chia sẻ những kinh nghiệm của công ty trong bối cảnh thách thức từ dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, Nestle Việt Nam đã thiết lập một cơ cấu phù hợp, đảm bảo sự rõ ràng và ổn định khi thị trường trong bối cảnh có sự bất ổn và rối loạn. Bên cạnh đó, yếu tố con người được xác định là quan trọng nhất và các yếu tố khác xếp ở vị trí thứ hai.
“Thông tin, thông tin và thông tin,” ông Binu nhấn mạnh yếu tố cần thiết trong quá trình điều hành và quản lý để có được phản ứng nhanh và tốc độ trở nên quan trọng hơn là sự hoàn hảo.
“Khủng hoảng là lúc chúng ta cần cho đi, không phải lúc trục lợi,” ông Binu nói thêm./.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam phát biểu: