Chia sẻ các thách thức và đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu

Những thách thức còn tồn tại trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu như: tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, giảm các khoản chi phí phát sinh, nâng cao hiệu quả và khả năng cung cấp dịch vụ.
Khám bệnh cho người dân tại tuyến y tế cơ sở. (Ảnh:PV/Vietnam+)

Ngày 16/5, đối thoại về hợp tác trong chăm sóc sức khỏe ban đầu do Bộ Y tế phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Đại học Y Havard, Tập đoàn Novartis tổ chức tại Hà Nội.

Đối thoại nhằm chia sẻ các thách thức và cơ hội về đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu và chuyển tuyến trong y tế cơ sở, với trọng tâm là các sáng kiến, dự án và đầu tư do Bộ Y tế xây dựng.

[Có khoảng 30% người Việt trưởng thành thiếu vận động thể lực]

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, Việt Nam tự hào đã đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG). Hiện tại, Việt Nam tiến tới để đạt các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và đã nhất trí thành lập Nhóm công tác về đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam.

Tại đối thoại, đại diện Bộ Y tế cho hay, cải thiện sức khỏe cộng đồng đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống phúc lợi cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội. Nhiều chính phủ trong khối ASEAN đã ưu tiên việc chăm sóc sức khỏe giúp cải thiện đáng kể tình trạng của bệnh nhân và sức khỏe của người dân. Việt Nam đã và đang đáp ứng hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đồng thời có được những bước tiến ấn tượng nhằm đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Những thách thức còn tồn tại trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu như: tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm các khoản chi phí phát sinh, nâng cao hiệu quả và khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Theo các chuyên gia, cếu các thách thức trên được giải quyết triệt để, Việt Nam sẽ trở thành một ví dụ điển hình trong khu vực và trên thế giới. Để vượt qua khó khăn này, Việt Nam nhận thức rõ sức mạnh của quan hệ đối tác công tư để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030 thông qua việc tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cách tiếp cận này sẽ đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng cao.

Đối thoại về hợp tác trong chăm sóc sức khỏe ban đầu là dịp để thúc đẩy thảo luận giữa Chính phủ, hàn lâm, các đối tác phát triển, lĩnh vực tư nhân/các doanh nghiệp về cách thức cùng đóng góp đầu tư tốt nhất thực hiện tầm nhìn về đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam.

Các nội dung được trình bày tại đối thoại gồm: Tầm nhìn - Chiến lược và ưu tiên của Chính phủ về tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm đạt được mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân trước năm 2030; Đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu - Kinh nghiệm quốc tế áp dụng tại Việt Nam; Quan điểm của người dân và bệnh nhân về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam...

Các đại biểu thảo luận tại đối thoại về hợp tác trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đối thoại về hợp tác trong chăm sóc sức khỏe ban đầu thảo luận việc thành lập Nhóm công tác về đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp bổ sung thêm vào công tác chuyển đổi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam.

Nhóm công tác sẽ được đặt tại Bộ Y tế và thúc đẩy sự chia sẻ kinh nghiệm đa dạng, các đầu tư và chuyên môn của các đối tác nhằm tăng cường cho các dự án thí điểm hiện tại của Bộ Y tế, nhằm tạo nên mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu mới và toàn diện trên khắp đất nước.

Nhóm công tác về đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu bao gồm các cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam và ba thành viên đồng sáng lập là diễn đàn kinh tế thế giới gồm: Trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu của Trường đại học Y Harvard và Tập đoàn Novartis.

Nhóm công tác được thành lập nhằm xây dựng một hình thức hợp tác đối tác công-tư để tăng cường các dự án thí điểm về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại 30 tỉnh của Bộ Y tế. Các bài học từ một số dự án này sẽ được nhân rộng trên quy mô quốc gia. Nhóm công tác sẽ xây dựng kế hoạch hành cộng bao gồm sự thống nhất về mục tiêu, các mốc và chiến lược tổng thể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục