Chìa khóa trở lại quỹ đạo phục hồi ngành hàng không sau dịch COVID-19

Để thị trường hàng không Việt Nam phục hồi và phát triển, Nhà nước cần có các chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hãng để lấy lại đà tăng trưởng.
Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lực lượng vận tải hàng không của các quốc gia. Do đó, đại diện các cơ quan chức năng cho rằng, Chính phủ kiến tạo thị trường và hành lang phát triển chính là chìa khóa cho việc trở lại quỹ đạo tăng trưởng của ngành hàng không.

Đảo lộn các kịch bản phục hồi

Tại hội thảo “Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới” do Tạp chí Cộng sản phối hợp Bộ Giao thông Vận tải tổ chức vào sáng 24/5, theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã kéo lùi sự phát triển của ngành hàng không và gây ra các hậu quả tiêu cực đến các đơn vị trong dây chuyền vận tải hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không Việt Nam.

Cụ thể, thị trường hàng không Việt Nam sụt giảm mạnh trong giai đoạn 2020-2021 với mức giảm lần lượt là 42,1% và 80% so năm 2019. Các hãng hàng không Việt Nam đã phải chật vật, xoay xở, thực hiện mọi giải pháp mang tính tự vận động cũng như được sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước để duy trì hoạt động chờ đến khi thị trường hồi phục.

Ông Thắng cũng đánh giá sang năm 2022 thị trường hàng không Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục, đặc biệt là thị trường nội địa là tín hiệu tích cực đối với hoạt động của ngành hàng không, góp phần giảm nhẹ khó khăn và tạo đà cho sự hồi phục và phát triển trong các năm tới.

Tuy nhiên, dù thị trường đã có dấu hiệu hồi phục nhưng mới chỉ ở thị trường nội địa trong khi thị trường quốc tế, nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn để có thể đạt được như mức trước dịch (năm 2019).

“Hiện tại, mặc dù các hãng hàng không Việt Nam cũng như quốc tế đã khôi phục phần lớn các đường bay đến các thị trường truyền thống, tuy nhiên lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh mà lượng khách du lịch, nguồn khách chính của ngành hàng không vẫn còn rất hạn chế,” ông Thắng cho hay.

[Thị trường hàng không nội địa sớm phục hồi, quốc tế vẫn sụt giảm]

Mặt khác, do ảnh hưởng của COVID-19, trên bình diện quốc tế, thu nhập của người dân bị tác động lớn nên có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết giảm nhu cầu không cần thiết trong đó có nhu cầu du lịch quốc tế.

“Giá nhiên liệu tăng cao liên tục vừa qua và chưa có tín hiệu giảm nhiệt đã gây áp lực chi phí lên hoạt động các hãng hàng không đang rất nặng nề. Chưa kể, xung đột Nga-Ukraine cũng ảnh hưởng đến các đường bay Châu Âu của các hãng hàng không Việt Nam khi phải bay vòng, phát sinh thêm chi phí,” ông Thắng nêu hàng loạt thách thức.

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không quốc tế thế giới sẽ hồi phục ở mức năm 2019 vào năm 2025. Đối với vận chuyển nội địa, IATA dự báo sự hồi phục sẽ đến sớm, theo đó so với năm 2019, lượng khách nội địa sẽ đạt 93% vào năm 2022, 103% vào năm 2023, 111% vào năm 2024 và 118% vào năm 2025.

Mặc dù vậy, không phải tất cả các thị trường hoặc các phân khúc thị trường đều phục hồi với tốc độ như nhau. Theo IATA, khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực tụt hậu trong quá trình phục hồi và theo dự báo, phải đến năm 2024 thì khu vực này mới đạt mức 97% so năm 2019.

Hàng không có thể dẫn sóng phục hồi

Nhiều đại biểu tại hội thảo cũng bày tỏ triển vọng phát triển hàng không Việt trong năm nay và thời gian tới là khá rõ nét, nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau dịch với hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế được khôi phục và mở rộng.

Khẳng định nhân tố rất quan trọng trên con đường phục hồi của ngành hàng không liên quan đến “sức khỏe" tài chính của các hãng hàng không, giáo sư Trần Thọ Đạt, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết sau 2 năm chống chọi với đại dịch, các hãng hàng không Việt Nam đều chật vật, xoay xở để có nguồn tài chính, dòng tiền trong việc duy trì hoạt động.

Ngoài việc các hãng bay tái cơ cấu tiết giảm chi phí, theo ông Đạt, trong giai đoạn 2020-2021, Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành hàng không như giảm giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, phí, lệ phí; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; hỗ trợ tái cấp vốn; gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp...

“Các chính sách này đã hỗ trợ rất hiệu quả cho các doang nghiệp hàng không, giảm áp lực về tài chính và hiệu quả của nó đã được chứng minh khi không có một doanh nghiệp hàng không Việt Nam nào, đặc biệt là các hãng hàng không phải phá sản, dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19,” ông Đạt nói.

[Hàng không Việt sẽ bùng nổ, sớm lấy lại đà tăng trưởng như trước dịch]

Ông Đinh Việt Thắng cho hay các doanh nghiệp hàng không có thể được hỗ trợ lãi suất 2% trong 2 năm 2022-2023 thông qua các ngân hàng thương mại cho các khoản vay thương mại và tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường cho năm 2022.

“Với chương trình này, Chính phủ đã có những hành động hết sức cụ thể để các doanh nghiệp hàng không có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ cũng như giảm bớt gánh nặng chi phí cho hoạt động của các hãng hàng không. Đây thực sự là nguồn hỗ trợ quý giá, kịp thời của Chính phủ đối với các doanh nghiệp hàng không,” ông Thắng bày tỏ.

Nhiều đại biểu tham luận tại hội thảo cũng có kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn, dòng tiền bền vững cho doanh nghiệp hàng không nhằm có thể sớm phục hồi và phát triển; Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp; tháo gỡ một số ràng buộc về chính sách giá như điều chỉnh giá trần vé máy; cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa; hỗ trợ giá dịch vụ hàng không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục