Chìa khóa thành công của hãng chế tạo ôtô lớn nhất thế giới Toyota

Các chuyên gia cho rằng thành công vượt trội của Toyota bắt nguồn từ phép cộng hoàn hảo giữa hệ thống sản xuất linh hoạt và bản sắc văn hoá truyền thống của người Nhật Bản.
Chìa khóa thành công của hãng chế tạo ôtô lớn nhất thế giới Toyota ảnh 1Mẫu xe FT-1 của Hãng Toyota. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau gần 8 thập niên phát triển, Toyota đang nắm giữ vị trí là tập đoàn sản xuất ôtô lớn nhất thế giới. Một số chuyên gia cho rằng thành công vượt trội của tập đoàn này bắt nguồn từ phép cộng hoàn hảo giữa hệ thống sản xuất linh hoạt và bản sắc văn hoá truyền thống của người Nhật Bản.

Điểm lại lịch sử

Người sáng lập tập đoàn Toyota Industries Corporation, Ltd. ngày nay là Sakichi Toyoda (1867-1930). Năm 1896, ông Sakachi Toyoda đã chế tạo thành công chiếc máy dệt động lực khổ hẹp chạy bằng hơi nước đầu tiên.

Ấn tượng với phát minh này, Công ty Platt Brothers & Co., Ltd của Anh, nhà sản xuất máy dệt và máy xe sợi hàng đầu của thế giới, đã đề nghị mua lại bản quyền của ông.

Chính số tiền này đã giúp con trai ông, Kiichiro Toyoda, có thể trang trải chi phí trong việc nghiên cứu và chuẩn bị sẵn sàng tiến vào ngành công nghiệp ôtô.

Có thể nói, khởi nguồn của tập đoàn Toyota ngày nay chính là chiếc máy dệt.

Ngày 28/8/1937, Toyota Motors Corporation được thành lập. Mặc dù những nỗ lực ban đầu gặp nhiều thất bại, song công ty này vẫn liên tục cố gắng, cải thiện chất lượng sản phẩm.

 Tháng 6/1950, thời điểm cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Toyota nhận được rất nhiều đơn đặt hàng sản xuất các loại xe tải. Điều này giúp sản lượng của Toyota tại thời điểm đó đạt mức cao kỷ lục.

Tất cả lợi nhuận được dùng để tái đầu tư vào trang thiết bị và củng cố hệ thống sản xuất. Nhờ đó Toyota dần vượt qua khủng hoảng và bắt đầu phát triển mạnh mẽ.

Toyota bắt đầu bán các sản phẩm của mình tại thị trường Mỹ năm 1958 với việc xuất khẩu chiếc Land Cruiser và Toyopet.

Năm 1959, Toyota mở nhà máy tại Brazil. Đây là nhà máy đầu tiên của hãng ngoài lãnh thổ Nhật Bản.

Những năm 70 là thời kỳ phát triển đỉnh cao của Toyota. Năng lực sản xuất và doanh số đều gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng dầu vào mùa thu năm 1973 đã đột ngột kìm hãm sự tăng trưởng của Toyota.

Cũng trong gia đoạn này, ngành công nghiệp ôtô phải đối mặt với các quy định khắt khe nhất thế giới của chính phủ Nhật về khí thải. Để giải quyết vấn đề này, các kỹ sư của Toyota phải nghiên cứu mọi khả năng có thể và cuối cùng đã thành công khi tìm ra giải pháp.

Sau khi trải qua cuộc khủng hoảng dầu, những cụm từ được quan tâm nhất trên thị trường ôtô thế giới là tích kiệm nhiên liệu. Do đó, khách hàng có xu hướng chuyển sang sử dụng các mẫu xe nhỏ gọn.

Điều này đã ảnh hưởng vô cùng lớn tới các hãng sản xuất ôtô tại Mỹ nhưng lại là điểm lợi cho dòng xe nhỏ gọn tích kiệm nhiên liệu của Nhật Bản.

Năm 1997, Toyota tung ra mẫu xe Hybrid Prius (xe lai chạy bằng xăng và điện), nhằm đối phó với các vấn đề môi trường. Thành quả này của Toyota cũng khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.

Năm 2008, Toyota lần đầu tiên trở thành hãng sản xuất ôtô lớn nhất thế giới về doanh số bán và chấm dứt 77 năm thống trị của nhà sản xuất ôtô Mỹ.

Chìa khóa thành công

Chiếc chìa khóa dẫn tới thành công của thương hiệu Toyota được cho là nằm ở Hệ thống sản xuất Toyota (“Toyota Production System” - TPS), với triết lý kinh doanh hướng tới chất lượng cao nhất, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhất nhu cầu của khách hàng.

Mục tiêu của Toyota là phấn đấu không ngừng để hướng đến sự hoàn hảo, cải tiến, sáng tạo liên tục mọi phương pháp, quy trình sản xuất, từ công đoạn đầu tiên cho tới thành phẩm, từ khi xuất xưởng cho tới dịch vụ chăm sóc khách hàng, bảo hành sản phẩm sau bán hàng.

Với mức độ cạnh tranh khốc liệt trong ngành sản xuất ôtô, doanh nghiệp trong ngành này phải đưa ra những quyết định nhanh, kịp thời và phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường ngày một khắt khe hơn.

Do vậy, để giữ được khả năng cạnh tranh toàn cầu, Toyota nhận thức được họ phải thực sự linh hoạt, có những phản ứng và phân tích kịp thời cùng với sự thay đổi của thị hiếu tiêu dùng, mang lại lợi nhuận và sự tăng trưởng lớn cho tập đoàn. Và đó là động lực để Toyota xây dựng hệ thống sản xuất của mình dựa trên 3 nguyên tắc: sản xuất đúng thời điểm, tự kiểm soát lỗi và liên tục đổi mới.

Hệ thống sản xuất Toyota là bí quyết thành công nổi tiếng nhất của thương hiệu này, được Toyota áp dụng rộng rãi ở tất cả các công xưởng và chi nhánh trên khắp thế giới. Lỗi trong quy trình sản xuất và nguy cơ kém chất lượng sản phẩm được phòng tránh ngay từ đầu để đảm bảo chất lượng ổn định và hạn chế tối đa công việc, chi phí và thời gian cho việc phải khắc phục những lỗi sản xuất và kém chất lượng sau này.

Toyota tập trung vào việc loại bỏ thời gian và nguyên liệu hoang phí từ mỗi bước của quy trình sản xuất (từ nguyên liệu thô đến thành phẩm). Kết quả là hãng này đã xây dựng được một quy trình nhanh và linh hoạt cung cấp cho khách hàng những gì họ muốn khi họ cần, với chất lượng cao nhất và giá thành hợp lý nhất.

Một bí quyết thành công khác của Toyota là văn hóa kinh doanh đặc thù. Đây được coi là bản sắc thương hiệu.

Nền tảng văn hóa công ty được biết đến là chủ nghĩa văn hóa đại gia đình. Toyota không đánh giá nhân viên là gánh nặng chi phí mà coi nhân viên là nhân tài. Trong Toyota tất cả nhân viên đều được đối xử bình đẳng như nhau cho dù là giám đốc hay chỉ là những người công nhân dưới xưởng.

Ở Toyota không tồn tại mối quan hệ trên dưới, mà chỉ tồn tại mối quan hệ trong phân công công việc. Điểm mạnh thật sự của công ty nằm ở việc có thể kế thừa những cách làm việc đậm tính truyền thống của công ty trong suốt tiến trình lịch sử, cấp trên chỉ cấp dưới, tiền bối chỉ hậu bối.

Có thể nói, Toyota là bằng chứng sinh động nhất cho thấy giá trị vô hình của thương hiệu quan trọng như thế nào đối với giá trị chung của chính thương hiệu ấy.


Triển vọng tươi sáng

Bất chấp những đợt báo lỗi gây nhiều tai tiếng trong những năm gần đây, triển vọng phát triển của Toyota vẫn khá “sáng sủa.” Lợi nhuận ròng của Toyota ước đạt mức kỷ lục 17,5 tỷ USD trong cả tài khóa hiện nay (kết thúc vào tháng 3/2015), nhờ nỗ lực cắt giảm chi phí và đồng yen yếu.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản được hưởng lợi nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ của Thủ tướng Shinzo Abe thực hiện từ năm ngoái, giúp hạ giá đồng nội tệ của nước này.

Sự yếu đi của đồng yen làm tăng tính cạnh tranh cũng như lợi nhuận thu về từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản.

Trong chín tháng đầu năm 2014, Toyota giữ vững ngôi vị là nhà sản xuất xe ôtô có doanh số bán chạy nhất thế giới , vượt qua các đối thủ lớn như Volkswagen và General Motors (GM), với doanh số bán đạt 7,615 triệu chiếc, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2013.

Tính riêng trong nửa đầu năm 2014, Toyota vẫn là hãng xe có doanh số bán "khủng" nhất thế giới với gần 5,1 triệu chiếc, sau khi có doanh số bán kỷ lục trong năm ngoái là 9,98 triệu chiếc.

Nhà chế tạo ôtô Nhật Bản này đặt mục tiêu bán 10,2 triệu xe trong năm nay, và nếu thực hiện được, đây sẽ là kỷ lục của ngành sản xuất ôtô toàn cầu.

Trước đó, trong tài khóa 2013 (kết thúc ngày 31/3/2014) Toyota đã phá kỷ lục và trở thành hãng ôtô đầu tiên trên thế giới bán được trên 10 triệu chiếc xe trong 12 tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục