Chìa khóa phát triển bền vững cho du lịch nông thôn Việt Nam

Chìa khóa phát triển bền vững cho du lịch nông thôn Việt Nam

Sự hòa quyện giữa thiên nhiên, con người bản địa và văn hóa truyền thống sẽ mang đến giá trị khác biệt và đưa du khách về vùng nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đầu tư phát triển du lịch theo hướng xanh, thân thiện và bền vững. Hiện nay có rất nhiều hình thức, mô hình du lịch phong phú, đa dạng như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch chữa bệnh… Trong đó, du lịch nông thôn ngày càng phổ biến và phát triển.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã chia sẻ tại Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất của UN Tourism (Tổ chức Du lịch Liên Hợp quốc) đang diễn ra từ ngày 9-11/12, tại Quảng Nam như vậy.

Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác tích cực với cộng đồng quốc tế và UN Tourism triển khai những sáng kiến, cách làm mới để phát triển du lịch nông thôn theo phương châm “mỗi làng một sản phẩm,” “mỗi người dân là một đại sứ du lịch,” “mỗi địa phương - một sản phẩm du lịch đặc sắc.”

“Chắp cánh” cho vùng quê thành nơi đáng sống

Mục tiêu của phát triển du lịch nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, tôn vinh, bảo tồn và phát triển lan tỏa các giá trị độc đáo của địa phương góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

“Đặc biệt, tổ chức UN Tourism đã triển khai chương trình du lịch vì sự phát triển của nông thôn nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa; trao quyền cho cộng đồng và tạo công ăn việc làm. Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa và phù hợp với 3 nhu cầu phát triển bền vững là kinh tế - xã hội và môi trường. Điều này cũng phù hợp với chiến lược phát triển và tiềm năng phát triển, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của Việt Nam, với định hướng phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số,” Phó Thủ tướng nói.

z6117493943426_42a732ec7780fb63e1e7d449d798f53b.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tặng quà cho đại diện UN Tourism. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Cơ sở để Việt Nam có thể làm quyết liệt với du lịch nông thôn bởi sở hữu đa dạng các di sản văn hóa và thiên nhiên đặc sắc, nhiều giá trị đặc trưng khác biệt, cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những làng quê mộc mạc yên bình giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Đây là những tài nguyên quý giá cung cấp các giá trị trải nghiệm khác biệt, góp phần thu hút khách du lịch về khu vực nông thôn và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, nhiều lợi thế về tài nguyên giàu bản sắc, trong những năm qua, Việt Nam đã quan tâm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, hấp dẫn; có khả năng thu hút khách du lịch, đem lại sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ của du lịch Việt Nam; thúc đẩy kết nối tour tuyến, mở rộng không gian đón khách về nông thôn.

Ngược lại, du lịch nông thôn cũng là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua chuyển đổi sinh kế, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, hỗ trợ duy trì được các nghề truyền thống, phát triển các sản vật địa phương có giá trị, tạo niềm tin gắn bó với quê hương và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong đánh giá thực tiễn những năm qua tại Việt Nam, du lịch đã đóng góp không nhỏ việc làm thay đổi “bộ mặt” của nhiều vùng nông thôn, đưa nhiều vùng nông thôn hạn chế về điều kiện phát triển nhưng trở thành “vùng quê đáng sống.”

Du lịch đã và đang góp phần bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, thu hẹp khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị.

Đại biểu các Làng du lịch tốt nhất tham dự Hội nghị.jpg
Đại biểu các Làng du lịch tốt nhất tham dự Hội nghị tại Quảng Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

UN Tourism cũng đã triển khai “Chương trình du lịch vì sự phát triển nông thôn,” nhằm đưa du lịch trở thành động lực phát triển và nâng cao phúc lợi cho khu vực nông thôn; thúc đẩy vai trò của du lịch trong việc xác định giá trị và bảo vệ các khu vực nông thôn cùng với cảnh quan, hệ thống tri thức, đa dạng sinh học và văn hóa, các giá trị ở địa phương.

Về phía Việt Nam, Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu phát triển du lịch nông thôn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp, bao trùm và đa giá trị cũng đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, khu vực nông thôn của Việt Nam cũng phải đối mặt với với nhiều thách thức. Mặc dù đã có sự phát triển nhưng đa số các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở vùng sâu, vùng xa có quy mô nhỏ, lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, gặp khó khăn về hạ tầng giao thông và các điều kiện kinh tế xã hội khác, hạn chế về nguồn lực đầu tư; nguồn nhân lực và khả năng kết nối thị trường...

Thực tế này đặt ra những yêu cầu trong định hướng tầm nhìn, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả trong việc thực thi các chính sách phát triển du lịch nông thôn ở Việt Nam đảm bảo các mục tiêu đề ra cũng như thích ứng với những vấn đề mang tính toàn cầu.

vnp_lang tra que (2).jpg
Du khách quốc tế thích thú trải nghiệm làm nông dân ở làng rau Trà Quế. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Làm sao để phát triển du lịch nông thôn bền vững?

Phó Tổng Thư ký UN Tourism, bà Zoritsa Urosevic, cho rằng sự hòa quyện giữa thiên nhiên, con người bản địa và các văn hóa truyền thống là những tài liệu quý giá cung cấp những giá trị khác biệt góp phần đưa khách du lịch về nông thôn, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững.

Theo thống kê, có khoảng 84% người dân sống ở khu vực nông thôn đối mặt với những khó khăn, hạn chế tiếp cận các dịch vụ, cơ sở hạ tầng và cơ hội việc làm…Để giải quyết thách thức này thì phát triển du lịch nông thôn bền vững là giải pháp thích hợp.

Bởi du lịch có khả năng thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế, tăng cường mối liên kết giữa du lịch và nông nghiệp, trao quyền cho cộng đồng địa phương, kích thích đổi mới và đầu tư, đồng thời mang lại ở khả năng tiếp cận tốt hơn đặc biệt là cho nhóm yếu thế như là phụ nữ và trẻ em.

Để phát triển du lịch nông thôn bền vững, các chuyên gia cho rằng cần đảm bảo phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội, trao quyền cho cộng đồng địa phương và các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa.

z6117208038221_793ba7f56750d52a18d7224b9841a577.jpg
Phó Tổng Thư ký UN Tourism, bà Zoritsa Urosevic. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Các chuyên gia nhấn mạnh những từ khóa về định hướng tương lai cho du lịch nông thôn bao gồm: Giá trị - Hợp tác - Tính bền vững - Sự phối hợp công - tư, sự tham gia của cộng đồng. Đặc biệt, cần giữ chân người trẻ ở địa phương, cùng đóng góp để trở thành đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, đóng góp thúc đẩy du lịch nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận với du khách…

Giám đốc Ban Thông tin Thị trường, Chính sách và Năng lực Cạnh tranh của UN Tourism, bà Sandra Carvão gửi gắm thông điệp chính từ các làng để phát huy vai trò của người trẻ trong các sáng kiến phát triển du lịch là: Tình yêu với truyền thống văn hóa của làng, trao quyền cho giới trẻ để họ có thể phát triển, sáng tạo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Muốn con đường này bền vững, theo các chuyên gia cần đưa ra những cách thức mới để hoạt động, đổi mới sáng tạo, tạo thêm nhiều yếu tố mới từ yếu tố văn hóa truyền thống để có những sản phẩm du lịch mới; cung cấp những cơ hội chuyên nghiệp; tạo ra giá trị và tinh thần sở hữu cho thanh niên./.

vnp_lang tra que (3).jpg
Du khách quốc tế thực hành làm bánh xèo khi trải nghiệm làng rau Trà Quế. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Đại diện UN Tourism vừa chính thức trao chứng nhận Làng Du lịch tốt nhất năm 2024 cho làng rau Trà Quế (Quảng Nam).

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết: “Du lịch nông nghiệp - nông thôn tại Quảng Nam bắt đầu hình thành từ những năm 2010 và phát triển mạnh từ năm 2013. Các điểm du lịch phân bố ở hầu hết các địa phương toàn tỉnh, hiện nay có 126 điểm tài nguyên du lịch nông nghiệp nông thôn đã được thống kê, trong đó nhiều điểm hoạt động hiệu quả nhất như: Làng gốm Thanh Hà, Làng rau Trà Quế, Rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh, Làng mộc Kim Bồng (Hội An), Làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơtu (Nam Giang)…”

Ước tính, trên 30% du khách đến Quảng Nam có trải nghiệm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nổi trội nhất là điểm du lịch Rừng dừa Bảy Mẫu - Cẩm Thanh, thành phố Hội An, thu hút gần 1 triệu lượt khách; Làng rau Trà Quế thu hút gần 25.000 lượt khách vào năm 2024.

Ngày 14/11/2024 (giờ địa phương), tại Colombia, Quảng Nam vinh dự nhận được giải thưởng của Tổ chức Du lịch Liên Hợp quốc công nhận Làng rau Trà Quế thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là Làng Du lịch tốt nhất năm 2024.

z6117216786751_b7476fdaf9e20b5202a881f101c2c130.jpg
Đại diện UN Tourism vừa chính thức trao chứng nhận Làng Du lịch tốt nhất năm 2024 cho làng rau Trà Quế (Quảng Nam).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục