Tăng cường đổi mới, sáng tạo hơn nữa sẽ giúp tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhanh hơn và toàn diện hơn.
Đây là chủ đề của báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 3/4.
Nhà kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, cho biết để phát triển, châu Á đã đầu tư 2,1% tổng GDP vào công tác nghiên cứu và phát triển nhưng có sự khác biệt lớn ở mỗi quốc gia.
[Tốc độ tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á sẽ giảm mạnh]
Theo ông Sawada, có 5 xu hướng đổi mới chính là hệ thống giáo dục đầy đủ, tinh thần khởi nghiệp đổi mới, cơ chế thuận lợi, thị trường vốn sâu rộng hơn và các thành phố năng động có sự kết hợp giữa các trường đại học nghiên cứu và các doanh nghiệp tiên tiến.
Trong 5 thập kỷ qua, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành trung tâm tri thức và đổi mới toàn cầu với tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển tăng từ 22% năm 1966 lên 40% trong năm 2017.
Theo báo cáo, khu vực này cũng là nơi có nhiều nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Tuy nhiên, sự đổi mới ở phần còn lại của khu vực vẫn còn chậm chạp hơn nhiều so với các nền kinh tế tiên tiến.
Báo cáo cho thấy các quốc gia có xu hướng đổi mới, sáng tạo hơn thì nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn.
Các nền kinh tế có thu nhập trung bình ở châu Á-Thái Bình Dương đã tăng lên mức có thu nhập cao như Hàn Quốc, đã chi mạnh cho công tác đổi mới vốn được coi là yếu tố quan trọng nhằm tăng năng suất. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ở các quốc gia này cao gấp 3 lần các nước cùng nhóm.
Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh đổi mới góp phần tăng trưởng toàn diện hơn và bền vững hơn đối với môi trường trong khu vực.
Theo báo cáo, đổi mới bền vững đòi hỏi một lực lượng lao động có học thức và có chuyên môn.
Cụ thể, hệ thống giáo dục cơ bản cần kết hợp kỹ năng mềm và cứng như giữa khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học với việc học để thúc đẩy tư duy, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Báo cáo nhấn mạnh việc đào tạo tại chỗ cũng rất quan trọng, các công ty tổ chức đào tạo nhân viên có nhiều khả năng đổi mới hơn các doanh nghiệp không làm điều này, tỷ lệ là cao hơn 12 điểm phần trăm.
Tiếp cận thị trường vốn và đặc biệt là thị trường chứng khoán, được coi là chìa khóa của đổi mới tài chính.
Các chính phủ có thể đóng vai trò lớn trong việc nghiên cứu và phát triển tài chính.
Báo cáo kết luận rằng không có “đường tắt” để đạt được các xã hội đổi mới trong khu vực mà phải xây dựng nó bằng nhiều công sức trong thời gian dài./.