Chìa khóa giải quyết những thách thức toàn cầu trong năm 2022

Các cuộc khủng hoảng an ninh, vốn đã chi phối chương trình nghị sự quốc tế và có khả năng tiếp tục diễn ra trong năm 2022, có thể được chia thành ba loại: toàn cầu, khu vực và trong nước.
Chìa khóa giải quyết những thách thức toàn cầu trong năm 2022 ảnh 1Người tị nạn chờ nhận lương thực cứu trợ tại Debark, Ethiopia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo Arab News của Saudi Arabia ngày 4/1 đăng bài viết của nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Sinem Cengiz đánh giá rằng hợp tác là chìa khóa để giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu trong năm 2022. Dưới đây là nội dung bài viết.

Từ góc độ an ninh, năm 2021 là một năm đầy thách thức, với đại dịch COVID-19, sự sụp đổ của nền kinh tế toàn cầu và căng thẳng leo thang từ Trung Đông đến châu Á. Năm 2021 đã cho thấy rằng các cuộc khủng hoảng an ninh trên thế giới không còn là một hình thái đe dọa hay thách thức mà các quốc gia có thể tự giải quyết một mình hoặc thông qua các liên minh khu vực của họ.

Thay vào đó, những cuộc khủng hoảng đó có thể được giải quyết hoặc được quản lý tốt hơn thông qua hợp tác toàn cầu. Do đó, năm 2021 đã kết tinh nhu cầu về sự hợp tác và đoàn kết hơn nữa, với việc giảm leo thang và giải pháp ngoại giao là các nguyên lý then chốt.

Các cuộc khủng hoảng an ninh, vốn đã chi phối chương trình nghị sự quốc tế và có khả năng tiếp tục diễn ra trong năm 2022, có thể được chia thành ba loại: toàn cầu, khu vực và trong nước.

[Những thách thức toàn cầu trở nên trầm trọng hơn do COVID-19]

Trên bình diện toàn cầu, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, thậm chí cả Nga, đã được phản ánh ở một số khu vực trên thế giới, trong đó rõ ràng nhất là trong các cuộc khủng hoảng ở Ukraine và vấn đề Đài Loan.

Ở cấp độ khu vực, cuộc nội chiến ở Ethiopia - quốc gia nội lục ở vùng sừng châu Phi - khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, là một mối đe dọa an ninh rộng lớn hơn.

Nếu Ethiopia, một trong những nơi khởi nguồn của nạn buôn người và tình trạng di cư bất hợp pháp, vẫn trong tình trạng xung đột trong năm 2022, thì nhiều khả năng khu vực sẽ phải đối mặt với một vấn đề nhân đạo nghiêm trọng: người tị nạn và người di cư bất hợp pháp tìm kiếm chốn nương thân ở các quốc gia láng giềng.

Một thách thức khu vực khác đã xuất hiện trên mặt trận Palestine. Xung đột giữa quân đội Israel và Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas của Palestine hiện đang kiểm soát Dải Gaza đã leo thang nghiêm trọng trong những tuần đầu tháng 5/2021, làm dấy nên những lo ngại rằng xung đột có thể gây ra mối đe dọa cho sự ổn định của Trung Đông.

Mặt khác, trong năm 2021, các cuộc nội chiến có sự can thiệp từ bên ngoài ở ba quốc gia Trung Đông, gồm Syria, Libya và Yemen, dường như đã đóng băng. Nội chiến ở các quốc gia này đã trở thành chiến trường để các cường quốc bên ngoài, chủ yếu là Mỹ và Nga, khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu của họ.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các tác nhân toàn cầu và khu vực trong các cuộc nội chiến nói trên đã chuyển trọng tâm về quốc gia của họ trong một khoảng thời gian nhất định. Câu hỏi hiện nay là tình hình ở các quốc gia đó sẽ như thế nào trong thời kỳ hậu đại dịch.

Trong tất cả các cuộc khủng hoảng toàn cầu và khu vực, việc Mỹ rút khỏi Afghanistan trở thành diễn biến quan trọng nhất của năm 2021, vì điều này vừa là thách thức an ninh đối với một số nước trong khu vực, vừa là cơ hội cho những quốc gia khác.

Trong khi các cuộc xung đột khu vực chi phối các nhà phân tích an ninh trong suốt năm 2021, những vấn đề an ninh phi truyền thống mới cũng đòi hỏi sự hợp tác quốc tế, bao gồm biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 cũng như các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Việc Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, một hiệp ước khí hậu nhằm giảm phát thải khí nhà kính ở hơn 180 quốc gia, và Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow là hai diễn biến quan trọng nhất.

Rõ ràng, biến đổi khí hậu gây ra những nguy cơ an ninh liên quan đến khí hậu và khiến cho những thách thức chính trị, xã hội và kinh tế hiện nay càng trở nên phức tạp hơn đối với các quốc gia trên thế giới.

Đại dịch COVID-19 đã được chứng minh là một thách thức an ninh khác. Nó không chỉ bộc lộ sự bất bình đẳng giữa các nước mà còn phơi bày tình trạng bất bình đẳng bên trong các quốc gia. Đại dịch đã có tác động không cân xứng đối với những quốc gia thiếu khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19. Hơn nữa, các nhà phân tích an ninh cảnh báo rằng thế giới nên có sự chuẩn bị để đối phó với nhiều biến thể hơn của virus SARS-CoV-2.

Cuối cùng, các vấn đề an ninh mạng xuất hiện như những thách thức mới, đặc biệt là âm mưu ám sát bất thành bằng máy bay không người lái nhằm vào Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi và phần mềm gián điệp mạng Pegasus. Các mối đe dọa an ninh mạng gây ra những khó khăn về kinh tế và thậm chí dẫn đến hỗn loạn chính trị nội bộ.

Nhìn chung, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 vẫn là những thách thức an ninh phi truyền thống nổi bật nhất mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Trong vài năm trở lại đây, các vấn đề an ninh và kinh tế đã ngày càng trở nên liên quan chặt chẽ với nhau.

Bên cạnh đó, một số mối đe dọa an ninh truyền thống hiện nay, chẳng hạn như nội chiến và nạn nhập cư bất hợp pháp, sẽ tiếp tục là phép thử đối với khả năng của các quốc gia đối phó với những mối đe dọa này. Do đó, tính phức tạp của các mối đe dọa an ninh hiện nay đã có tác động quan trọng đến chương trình nghị sự của các nước trong khu vực và trên toàn cầu.

Tầm quan trọng của hợp tác ngày càng trở nên rõ nét khi đề cập đến nỗ lực giải quyết những mối đe dọa vốn vượt ra khỏi phạm vi biên giới lãnh thổ và chính trị của mỗi quốc gia để đặt ra thách thức to lớn đối với tất cả các nước trong khu vực và thế giới.

Năm 2021 đã cho thấy rằng những thách thức về khí hậu, y tế và kinh tế có thể gây ra các cuộc khủng hoảng xã hội và chính trị, từ đó đặt ra những nguy cơ đối với an ninh và sự ổn định khu vực. Vì vậy, các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 có thể sẽ tiếp tục là tâm điểm trong năm 2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục