Chìa khóa để ngăn chặn khủng hoảng lương thực toàn cầu

Khả năng nuôi sống dân số ngày càng tăng của thế giới đang bị đe dọa và nếu không có sự thay đổi lớn hơn về kinh tế xã hội và môi trường, thế giới sẽ không thể có các hệ thống nông lương bền vững.
Lúa mỳ nhập khẩu từ Ukraine tại một cửa hàng ở Hasbaya, Liban. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 2/12, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã tổ chức lễ công bố chính thức ấn phẩm “Tương lai của nông nghiệp và lương thực - Các Động lực và Tác nhân kích hoạt chuyển đổi” (FOFA-DTT), tập trung vào những hành động cần thiết và cấp bách để chuyển đổi các hệ thống nông lương theo hướng bền vững.

Lễ công bố đã được tổ chức với sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của hàng nghìn người trên khắp thế giới, trong đó có phát biểu chính của các quan chức cao cấp của FAO gồm Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc, nhà kinh tế trưởng của FAO Máximo Torero, Phó Giám đốc phụ trách Bộ phận kinh tế học nông nghiệp thực phẩm (ESA) Marco V. Sánchez, cùng các diễn giả khách mời, trong đó có Đại sứ Việt Nam tại Italy, kiêm nhiệm Đại diện thường trực của Việt Nam tại FAO Dương Hải Hưng.

[Infographics] Khủng hoảng lương thực đang lan rộng trên toàn cầu  

Phát biểu tại sự kiện công bố FOFA-DTT, Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc nhấn mạnh rằng ấn bản “Tương lai của nông nghiệp và lương thực” thứ ba này tập trung vào các động lực và yếu tố kích hoạt quá trình chuyển đổi các hệ thống nông lương mà FAO đang hỗ trợ.

Nhiều mục tiêu phát triển bền vững (SDG) hiện đang chệch hướng và sẽ chỉ đạt được nếu các hệ thống nông lương được chuyển đổi phù hợp để chống chọi với những thách thức toàn cầu đang diễn ra, làm suy yếu an ninh lương thực và dinh dưỡng do sự bất bình đẳng về cấu trúc và bất bình đẳng khu vực ngày càng tăng.

Tổng Giám đốc FAO nêu rõ: “Dự báo chiến lược này rất hữu ích đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là các chính phủ, với việc phân tích các xu hướng ngắn hạn và dài hạn, lường trước các viễn cảnh tương lai, nhờ đó có hành động hợp lý để tránh các viễn cảnh xấu nhất cũng như định hướng hành động để đạt được “4 tốt hơn: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt đẹp hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Khả năng nuôi sống dân số ngày càng tăng của thế giới đang bị đe dọa và nếu không có sự thay đổi lớn hơn về kinh tế xã hội và môi trường, thế giới sẽ không thể có các hệ thống nông lương bền vững.

FOFA-DTT phân tích các động lực hiện tại, mới nổi và xu hướng tương lai của các hệ thống nông sản thực phẩm, xem xét mối quan hệ của chúng với các hệ thống môi trường và kinh tế xã hội rộng lớn hơn, đồng thời giải quyết câu hỏi cơ bản về cách thức thúc đẩy các hệ thống nông lương đi theo lộ trình bền vững khi thế giới đạt được các SDG chủ chốt vào năm 2030 và cách cải thiện hơn nữa tình hình kinh tế xã hội và môi trường toàn cầu sau thời điểm đó.

Phó Giám đốc Bộ phận kinh tế nông nghiệp thực phẩm (ESA) của FAO Sánchez khẳng định rằng các quá trình biến đổi để đạt được tương lai bền vững đòi hỏi các hệ thống kinh tế xã hội phát triển theo cách đảm bảo cơ hội kiếm thu nhập cho tất cả mọi người, mức lương trên toàn thế giới tương thích với chi phí cho chế độ ăn uống lành mạnh, nghĩa là thực phẩm bổ dưỡng, an toàn, tốt cho sức khỏe, và thức ăn được sản xuất và cung cấp theo cách không phá hủy các điều kiện sản xuất thức ăn trong tương lai.

Báo cáo nêu ra 4 viễn cảnh phát triển của các hệ thống nông-thực phẩm, gồm 2 viễn cảnh khá bi quan, 1 viễn cảnh có thể tạo ra một số lợi ích tạm thời và 1 viễn cảnh là thực sự bền vững.

Trong viễn cảnh "mọi thứ như cũ," thế giới sẽ tiếp tục bị động phản ứng với các sự kiện và khủng hoảng, trong khi với viễn cảnh "tương lai được điều chỉnh," một số động thái hướng tới các hệ thống nông lương bền vững diễn ra nhưng với tốc độ chậm và không chắc chắn. “Cuộc đua xuống đáy” miêu tả một thế giới hỗn loạn trong kịch bản xấu nhất.

Báo cáo cũng chỉ ra viễn cảnh "Đánh đổi để lấy sự bền vững," trong đó đổi tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ngắn hạn để đạt được tính bao trùm, sức chống đỡ và bền vững của các hệ thống nông lương, kinh tế xã hội và môi trường.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Dương Hải Hưng nhấn mạnh rằng để tránh viễn cảnh ‘cuộc đua xuống đáy’ đầy u ám, thế giới phải cùng hành động ngay bây giờ và hướng tới việc hiện thực hóa một hệ thống nông lương bền vững và có khả năng chống đỡ.

Theo Đại sứ, báo cáo của FAO chỉ ra một nguyên nhân quan trọng đẩy nhanh viễn cảnh bi quan này là khả năng đầu tư và áp dụng khoa học công nghệ khác nhau giữa các nhóm nước thu nhập cao và thu nhập thấp khiến khoảng cách phát triển giữa hai nhóm này càng bị kéo dãn.

Đại sứ cho rằng là một tổ chức kỹ thuật, FAO có vai trò quan trọng để hạn chế hiện tượng này bằng cách đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu và hỗ trợ các nước đang phát triển về các chính sách, cách tiếp cận, thực tiễn và công cụ đổi mới sáng tạo; khuyến khích đầu tư, tồng hợp và chia sẻ hàng hóa kỹ thuật số công cộng và các giải pháp dựa trên tự nhiên; hỗ trợ tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển trong lĩnh vực đổi mới khoa học công nghệ; thúc đẩy đối tác tri thức giữa các quốc gia và giữa các quốc gia với các chủ thể khác, như hợp tác Nam-Nam và Ba bên về chuyển giao công nghệ, phát triển nghiên cứu để giải quyết vấn đề an ninh lương thực và dinh dưỡng ở cấp địa phương và khu vực.

Việt Nam đã phát triển khá nhiều đổi mới kỹ thuật tiết kiệm chi phí và rất sẵn lòng chia sẻ, chẳng hạn như mô hình an ninh lương thực địa phương ‘Khu vườn của tôi’ xoay quanh một hệ thống các giá trị, nghĩa vụ, hành động và lợi ích chung. Việt Nam cũng mong muốn trở thành một trung tâm đổi mới thực phẩm ở Đông Nam Á và sẽ tiếp tục tích cực tham gia các sáng kiến đổi mới, bao trùm, kỹ thuật số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các xu hướng như gia tăng dân số và đô thị hóa, bất ổn kinh tế vĩ mô, nghèo đói và bất bình đẳng, căng thẳng và xung đột địa chính trị, cạnh tranh gay gắt hơn đối với tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu đang tàn phá các hệ thống kinh tế xã hội và hủy hoại hệ thống môi trường.

Báo cáo của FAO đã lựa chọn và khuyến cáo các nước thành viên về 4 nhân tố kích hoạt chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm hướng tới bền vững hơn, bao gồm tăng cường quản lý nhà nước; nâng cao thu nhập cho người dân, giảm sự bất bình đẳng giữa các nhóm dễ tổn thương; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; và tiếp tục chia sẻ đổi mới công nghệ toàn cầu.

Đại sứ Dương Hải Hưng tâm đắc chia sẻ việc Việt Nam đánh giá cao và trực tiếp trải nghiệm tầm quan trọng của nhân tố tăng cường quản lý nhà nước. Chính với chính sách Đổi Mới năm 1986, Việt Nam đã có thể đạt được những thành tựu to lớn trong việc chống khủng hoảng kinh tế vĩ mô và đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; chuyển mình từ một nước đói kém trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Việt Nam trong thập kỷ qua cũng là quốc gia có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất thế giới. Nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực là một trong những trụ cột của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam từ năm 2021 đến năm 2030.

FOFA-DTT nêu bật các lựa chọn chiến lược có thể giúp đạt được an ninh lương thực, dinh dưỡng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Tình nguyện viên phát cơm cho người dân tại Agartala, bang Tripura, Ấn Độ, ngày 7/6/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Báo cáo kêu gọi những người ra quyết định nghĩ xa hơn những nhu cầu ngắn hạn, cảnh báo rằng việc thiếu tầm nhìn, cách tiếp cận từng phần và "những giải pháp chớp nhoáng" sẽ khiến mọi người phải trả giá đắt.

Một tư duy mới, ưu tiên các mục tiêu dài hạn, tính bền vững và khả năng phục hồi là rất cần thiết.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên gia kinh tế thuộc Bộ phận nghiên cứu chính sách của FAO, một trong 3 tác giả chính của FOFA-DTT, nói: “Đây là một báo cáo chủ chốt, đề xuất các chiến lược chuyển đổi hệ thống nông lương toàn cầu dài hạn, tạo ra nền tảng cho các quốc gia thành viên cũng như các khu vực và các tiểu ngành tạo thành chính sách khung và chương trình hành động nghị sự toàn cầu."

"Báo cáo đã phân tích 18 nhân tố cấu thành nên hệ thống nông lương toàn cầu, trong đó có những nhân tố đang nổi lên như sự phụ thuộc lẫn nhau tăng lên giữa các quốc gia, vai trò của Big Data trong tương lai, xu hướng tăng giá của lương thực, thực phẩm hay sự tập trung quá mức của thị trường và sự tham gia của các tổ chức xuyên quốc gia trong hệ thống phân phối lương thực và những tác động của chúng."

"Nếu chúng ta cương quyết theo đuổi những mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường sức chống đỡ thì chúng ta sẽ hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Nếu muốn đạt được điều đó, thì cách tiếp cận là chúng ta phải chấp nhận sự đánh đổi. Ví dụ như phải chọn việc tăng sản lượng hay giảm phát thải, chọn mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực hay mục tiêu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi vì không có một giải pháp nào có thể hoàn hảo, thỏa mãn tất cả các mục tiêu."

Đến năm 2050, dự kiến thế giới sẽ có 10 tỷ dân và đây sẽ là một thách thức chưa từng có nếu không có những nỗ lực đáng kể để đảo ngược xu hướng hiện tại.

Hiện có khoảng 770 triệu người, tức gần 10% dân số thế giới bị đói và hơn 3 tỷ người không có khả năng để có một chế độ ăn uống lành mạnh.

Tuy nhiên, nếu các chính phủ, người tiêu dùng, doanh nghiệp, giới học giả và cộng đồng quốc tế hành động ngay bây giờ, thì việc chuyển đổi toàn diện các hệ thống nông lương là hoàn toàn khả thi và có thể mang lại thay đổi bền vững lâu dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục