Chìa khóa để Mỹ mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á

Để tái khẳng vai trò lãnh đạo trong khu vực Đông Nam Á, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nên tăng cường cam kết đối với các hiệp định thương mại song phương và đa phương tham vọng hơn.
Chìa khóa để Mỹ mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo đánh giá của bài viết đăng trên báo The Straits Times, để tái khẳng vai trò lãnh đạo trong khu vực Đông Nam Á, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nên tăng cường cam kết đối với các hiệp định thương mại song phương và đa phương tham vọng hơn.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Đông Nam Á diễn ra vào thời điểm then chốt. Khu vực này nằm ở trung tâm của cuộc đối đầu giữa các nước lớn trong thập kỷ qua.

Kurt Campbell, chính trị gia kỳ cựu về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Washington, phát biểu hồi đầu tháng Bảy rằng để có được một chiến lược châu Á hiệu quả cũng như có được một cách tiếp cận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiệu quả, cần phải hành động nhiều hơn ở khu vực Đông Nam Á.

Trong vài tháng qua, các quốc gia Đông Nam Á đã tỏ ra lo lắng về việc chính quyền của ông Biden thiếu những hành động can dự có ý nghĩa đối với khu vực này. Các quan chức chính quyền Mỹ đã tiến hành một loạt cuộc gặp cấp cao với các đồng minh và đối tác ở Đông Bắc Á, Trung Đông và châu Âu.

Ngược lại, các thủ đô của Đông Nam Á đã vắng bóng trong lịch trình của các quan chức hàng đầu của Mỹ những tháng vừa qua, chưa kể đến việc hàng loạt vị trí ngoại giao trên khắp khu vực còn bị để trống.

Ông Austin, quan chức cấp cao đầu tiên trong nội các Mỹ đến thăm Đông Nam Á, đã có một sự khởi đầu mạnh mẽ, đề ra kế hoạch chiến lược của chính quyền Tổng thống Biden ở châu Á. Một cách rộng rãi hơn, những sáng kiến then chốt, như hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương được đề xuất cũng như Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương của Mỹ (UPDI), chứng minh cam kết của Chính quyền Tổng thống Biden tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực.

[Bộ Ngoại giao Mỹ tái khẳng định cam kết với khu vực ASEAN]

Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy, Washington sẽ phải đẩy mạnh "cuộc chơi" của mình nếu muốn duy trì vị thế là một cường quốc cạnh tranh. Chính quyền Tổng thống Biden cần đưa ra những thỏa thuận thương mại và đầu tư mạnh mẽ, khôi phục quan hệ quốc phòng với các đồng minh khu vực và tích cực thúc đẩy sự phục hồi của các quốc gia Đông Nam Á bị tác động nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành.

Cạnh tranh mang tính xây dựng

Trong bài phát biểu quan trọng của mình tại Singapore, Bộ trưởng Austin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tính công khai minh bạch và sức mạnh của nền dân chủ Mỹ, dựa trên "khả năng tự sửa chữa và nỗ lực tiến tới một liên minh hoàn hảo hơn."

Ông cũng nêu rõ rằng Mỹ cam kết với sự cạnh tranh mang tính xây dựng thay vì cuộc đối đầu thiếu thận trọng với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh cam kết của chính quyền Tổng thống Biden đối với việc "theo đuổi một mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định" với siêu cường châu Á này.

Điều này có nghĩa là chính quyền Tổng thống Biden cam kết tham gia các sáng kiến với các bên tham gia khu vực có cùng tư tưởng trong việc giải quyết các mối lo ngại chung về an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Về phần mình, Lầu Năm Góc đang theo đuổi các cuộc triển khai mở rộng và sự hiện diện quân sự ở Tây Thái Bình Dương thông qua UPDI trị giá nhiều tỷ USD, dự kiến được bổ sung bởi các cuộc tập trận quy mô lớn, cũng như các thương vụ vũ khí đắt tiền với các quốc gia chủ chốt ở Đông Nam Á.

Các mối quan hệ đối tác thương mại

Trong khi đó, các cố vấn hàng đầu của ông Biden cũng đang dàn xếp một hiệp định thương mại đầy triển vọng với các nền kinh tế lớn của khu vực, công nhận sự cần thiết phải có một chiến lược can dự toàn diện hơn. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã để lại một lỗ hổng chiến lược đang được nhanh chóng lấp đầy bởi Trung Quốc ngày càng thịnh vượng về kinh tế.

Thông qua việc tập trung vào thương mại kỹ thuật số, chính quyền Tổng thống Biden hy vọng tránh được sự hạn chế của nhóm vận động hành lang theo chủ nghĩa bảo hộ ở trong nước vốn có xu hướng tập trung vào thương mại truyền thống, cũng như tận dụng lĩnh vực đang phát triển nhanh này trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Chìa khóa để Mỹ mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Do sự thống trị của Trung Quốc trong mạng viễn thông 5G và vị thế của lĩnh vực công nghệ tài chính nước này, ngày càng có nhiều lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu, dòng thông tin và hướng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung.

Một hiệp định kỹ thuật số cũng sẽ giúp củng cố các cơ chế song phương hiện có như Hiệp định thương mại số Mỹ-Nhật Bản và Hiệp định kinh tế số Singapore-Australia. Và bởi vì một hiệp định thương mại số không đòi hỏi những cải cách pháp lý và quy định chặt chẽ như TPP, có thể thúc đẩy nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia đến Philippines và Thái Lan tham gia.

Ngoại giao vaccine

Về ý nghĩa thiết yếu và tầm quan trọng mang tính biểu tượng, một hiệp định thương mại số chỉ nên là bàn đạp để đạt được những hiệp định thương mại song phương và đa phương tham vọng hơn. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh suy thoái kinh tế sâu sắc ở một số quốc gia Đông Nam Á ví dụ như Philippines có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm gần 10% vào năm 2020.

Cũng quan trọng như các vấn đề thương mại, chính quyền của ông Biden nên phối hợp với các đồng minh hàng đầu như Nhật Bản, tăng cường chính sách "ngoại giao vaccine" và đầu tư tạo công ăn việc làm cho những nền kinh tế khu vực bị tác động nặng nề nhất.

Để có sự công bằng, hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được phân phối trên khắp khu vực Đông Nam Á trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, Mỹ sẽ phải phân phát nhanh 500 triệu liều vaccine như đã cam kết tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, do sự tồn đọng trong sản xuất và phân phối vaccine từ các nhà cung cấp thay thế.

Sau một sự khởi đầu chậm chạp, Chính quyền Tổng thống Biden đã tăng cường một cách đúng đắn chiến lược can dự khu vực của mình. Tuy nhiên, Washington sẽ phải đưa ra những sáng kiến mạnh mẽ và thực hiện chính sách ngoại giao kiên nhẫn nhằm tập hợp sự ủng hộ của khu vực và khẳng định vai trò lãnh đạo của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục