Nhiều hộ kinh doanh theo cách truyền thống đã lâu đời, việc đầu tư thêm công nghệ sản xuất, mở rộng mô hình, làm sổ sách kế toán là điều họ không muốn. Nhưng, cũng có những hộ kinh doanh doanh thu cả trăm tỷ đồng vẫn quyết ở lại với mô hình hộ, mặc dù mức doanh thu này có thể gấp cả chục lần doanh nghiệp cỡ nhỏ…
Đó là những tâm tư của chính người trong cuộc. Thế nhưng, nhìn tổng thể hơn, giới chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi là cần thiết để tránh tình trạng lợi dụng, mập mờ và xa hơn, đó còn là động lực của toàn xã hội.
Và, muốn khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, điều quan trọng là phải có môi trường thuận lợi, tin cậy và hấp dẫn.
Thêm ưu đãi, hộ sẽ tự lên doanh nghiệp
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico đã chia sẻ như vậy khi nói về những giải pháp để khuyến khích hộ lên doanh nghiệp.
"Chúng ta cần kiến tạo một môi trường thuận lợi, dọn dẹp những trở ngại sao cho ngôi nhà doanh nghiệp thông thoáng, tin cậy và hấp dẫn hơn, để các hộ kinh doanh không còn băn khoăn về việc chuyển thành doanh nghiệp," ông Đức nói.
[Hơn nửa triệu hộ kinh doanh chưa được đưa vào diện quản lý thuế]
Theo luật sư Đức, vấn đề mấu chốt là phải làm sao cho các doanh nghiệp siêu nhỏ được dễ thở như hộ kinh doanh.
Góp ý cụ thể hơn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình cho rằng, vấn đề quan trọng là vận động để các hộ thấy được cái lợi. Ngoài ra, phải có chính sách để nếu hộ gia đình lên doanh nghiệp sẽ có ưu đãi nhất định.
"Ví dụ cho phép các hộ sử dụng lao động quy mô nhỏ, chỉ 3-5 người được phép đóng một khoản bảo hiểm hoặc thuế vãng lai, để tránh chi phí tốn kém," ông Bình lên tiếng.
Về phần mình, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình bày tỏ, nguyên tắc số một và mang tính tiên quyết trong quá trình trên là phải đảm bảo rằng các gánh nặng về chí phí tuân thủ, gánh nặng về pháp lý, về thuế áp dụng đối với các doanh nghiệp cá thể, doanh nghiệp một chủ sẽ không cao hơn nhiều, thậm chí phải ngang bằng, so với mức của các hộ kinh doanh hiện nay.
Ông đề xuất cần rà soát và điều chỉnh các văn bản pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo chi phí tuân thủ các quy định pháp luật và chi phí tuân thủ về thuế, nộp thuế với doanh nghiệp ở mức thấp.
Phân nhóm, tạo sân chơi công bằng
Điều quan trọng không kém theo ông Lê Duy Bình là làm sao đảm bảo tính hấp dẫn của loại hình doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ).
Thậm chí, theo vị này, trong thời gian đầu áp dụng (có thể là 5 năm và có thể coi là giai đoạn chuyển đổi), các doanh nghiệp cá thể/một chủ có thể được áp dụng mức thuế khoán giống như các hộ kinh doanh hiện nay.
Trong thời gian này, các quy định về thuế sẽ được điều chỉnh để các doanh nghiệp một chủ sẽ áp dụng hình thức khai thuế đơn giản, dễ thực hiện và không khiến cho mức nộp thuế của các hộ kinh doanh tăng quá cao.
Dẫn kinh nghiệm tại một số quốc gia khác, theo ông Lê Duy Bình, chủ doanh nghiệp cá thể, doanh nghiệp một chủ có thể sẽ tuân thủ các quy định về thuế theo luật thuế thu nhập cá nhân. Các chủ doanh nghiệp một chủ cũng có thể thực hiện hình thức khai thuế hàng năm giống như đối với một cá nhân.
Điều này có thể giảm bớt rất nhiều về các quy định về chế độ báo cáo tài chính, báo cáo thuế, tần suất nộp báo cáo.
Trong khi ấy, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, về nguyên tắc, không được ép buộc hộ lên doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo vị này cơ quan chức năng đang xây dựng thêm chính sách để thúc đẩy các hộ lên doanh nghiệp và trong đó có tính tới việc phân loại với hộ kinh doanh thành nhóm lớn và nhỏ.
Với nhóm lớn, chính sách áp dụng có thể sẽ tương đương với doanh nghiệp, đảm bảo, "họ chơi ở sân doanh nghiệp hay hộ cũng được ứng xử như nhau, không được ưu ái như hộ."
Chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm bày tỏ đồng tình với cách làm này. Theo ông, điểm xuất phát của các hộ khác nhau, có đối tượng có thể tiến lên doanh nghiệp được ngay nhưng có hộ thì chưa.
"Chính sách muốn đi vào cuộc sống phải cụ thể hóa để sát từng đối tượng," ông bày tỏ./.