‘Chìa khóa’ để các tuyến đường bộ cao tốc vận hành an toàn, hiệu quả

Hệ thống giao thông thông minh sẽ quản lý, vận hành các tuyến cao tốc một cách hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Các tuyến đường cao tốc sẽ có hệ thống giao thông thông minh để phục vụ cho việc phục vụ cho quản lý, vận hành, khai thác. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các tuyến đường cao tốc sẽ có hệ thống giao thông thông minh để phục vụ cho việc phục vụ cho quản lý, vận hành, khai thác. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hệ thống giao thông thông minh (ITS) sẽ là “chìa khóa” để nâng cao, phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành, khai thác các tuyến đường cao tốc, đồng thời nâng cao năng lực thông hành, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao ý thức tham gia giao thông của chủ phương tiện.

Phóng viên VietnamPlus đã có buổi trao đổi với ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam xung quanh vấn đề này.

100% các tuyến cao tốc phải có ITS vào năm 2025

- Ông có thể cho biết lợi ích của việc ứng dụng ITS đối với ngành Giao thông Vận tải?

Ông Lâm Văn Hoàng: ITS là hệ thống được ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, gồm các thiết bị như cảm biến, điện tử, tin học, viễn thông để điều khiển, điều hành và quản lý các hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải tối ưu nhất, nhằm nâng cao năng lực thông hành, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm tiêu hao nhiên liệu làm hạn chế ô nhiễm môi trường, qua đó giúp hoạt động vận tải hiệu quả hơn.

Về cơ bản, ITS sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin và viễn thông để liên kết giữa con người, hệ thống đường giao thông và phương tiện giao thông lưu thông trên đường thành một mạng lưới thông tin và viễn thông, phục vụ cho việc quản lý, vận hành, khai thác và lưu thông được tối ưu nhất trên các tuyến đường bộ cao tốc. Theo đó, mục tiêu cao nhất của hệ thống ITS là tự động hóa điều hành giao thông.

Ngoài ra, ITS cũng có chức năng quản lý thông tin giao thông; quản lý kết cấu hạ tầng công trình giao thông; quản lý thanh toán điện tử giao thông; quản lý và kiểm soát giao thông; quản lý, tự động phát hiện sự cố giao thông và kịp thời ứng cứu sự cố trên đường bộ cao tốc…; giúp ngăn ngừa, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, góp phần xây dựng một xã hội an toàn, văn minh, hiện đại và phát triển.

- Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 9/35 tuyến cao tốc được lắp đặt ITS. Vậy, lộ trình đầu tư ITS và các Trung tâm quản lý điều hành giao thông trên dọc tuyến cao tốc này sẽ ra sao thưa ông?

Ông Lâm Văn Hoàng: Theo quy hoạch, mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 41 tuyến với tổng chiều dài hơn 9.000km. Đến nay, cả nước đã có 35 tuyến, đoạn tuyến cao tốc với tổng chiều dài 2.001 km đưa vào khai thác. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ đạt 3.000km và đến năm 2030 đạt 5.000km đường cao tốc.

ITS là một bộ phận của công trình đường cao tốc, có vai trò quan trọng không kém so với công trình xây dựng khác của tuyến đường. Vì thế, ITS sẽ được nghiên cứu đầu tư đồng bộ phục vụ cho quản lý, vận hành, khai thác các tuyến cao tốc.

vnp_Lam Van Hoang.jpg
Ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Xác định được tầm quan trọng đó, Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ”, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 100% các tuyến đường cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh; hình thành các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương có nhu cầu.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát, để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông thông minh và Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến đối với các Dự án đường Cao tốc Bắc-Nam phía Đông; các dự án đang chuẩn bị đầu tư và các dự án đang vận hành khai thác đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.

Sẽ điều hành tập trung thống nhất

- Vậy, hệ thống ITS sẽ có sự khác biệt so với các tuyến cao tốc đã đầu tư, vận hành trước đó như thế nào, thưa ông?

Ông Lâm Văn Hoàng: Trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam, các cơ quan đơn vị trực thuộc bộ tổ chức các đoàn công tác đi làm việc tại các nước châu Âu (Pháp, Bỉ, Hà Lan) và các nước trong khu vực (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) để tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển mô hình hệ thống, công nghệ kỹ thuật, thiết bị và kinh nghiệm trong đầu tư, xây dựng và quản lý, vận hành, khai thác hệ thống giao thông thông minh.

Qua đó, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các đơn vị trong quá trình triển khai phải đầu tư hệ thống trang thiết bị đảm bảo hiện đại, áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới, đồng bộ về hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI vào hệ thống ITS để tự động thu thập, phân tích, xử dữ liệu…trong quản lý vận hành, khai thác các tuyến đường cao tốc.

Các Trung tâm điều hành giao thông tuyến sẽ được xây dựng theo phương án ghép các tuyến cao tốc ngắn liền kề, đảm bảo trung bình từ 70-100km sẽ được điều hành bởi một Trung tâm quản lý, điều hành giao thông, tương tự như các nước trên thế giới và khu vực, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý khai thác.

vnp_giao thong thong minh Deo Ca.jpg
Trung tâm quản lý, vận hành giám sát các phương tiện qua hầm của Tập đoàn Đèo Cả. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Các Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến sẽ sử dụng một phần mềm dùng chung, bao gồm phần mềm lõi đã tích hợp phân hệ quản lý giao thông khác để đảm bảo đồng bộ; có hệ thống kết nối dữ liệu dùng chung nhằm có sự kết nối, trao đổi thông tin, tương tác giữa các tuyến. Trước mắt, khi chưa có Trung tâm điều hành giao thông giao thông quốc gia, sẽ lựa chọn một trung tâm tuyến có năng lực để kết nối, liên thông chia sẻ thông tin giữa các tuyến đường còn lại.

- Ông nghĩ gì khi nhiều ý kiến cho rằng, hàng nghìn kilomet đường cao tốc đưa vào khai thác tới đây sẽ là thời điểm “chín muồi” để nước ta có hệ thống ITS hiện đại, đồng bộ với nhau để đảm bảo sự kết nối đồng bộ trong quản lý, khai thác và vận hành?

Ông Lâm Văn Hoàng: Xác định việc triển khai đầu tư ITS là khâu đột phá, giúp thay đổi căn bản phương thức quản lý, vận hành, khai thác đường bộ cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các đơn vị phải đầu tư hệ thống trang thiết bị phải đảm bảo hiện đại, áp dụng các công nghệ tiên tiến; kết nối đồng bộ, hiệu quả giữa các trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến với trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh quốc gia sau này; lộ trình triển khai thực hiện mô hình đề xuất phù hợp với điều kiện Việt Nam, tương thích kết nối với chuẩn hệ thống ITS trên thế giới, đảm bảo hiệu quả khai thác đường cao tốc, nâng cao năng lực quản lý điều hành của ngành.

Các ban quản lý dự án (với trách nhiệm là chủ đầu tư dự án cao tốc) khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành hệ thống ITS và Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến để đảm bảo hoạt động đồng bộ khi cao tốc khánh thành và đi vào khai thác. Quá trình tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng cần tuân thủ các thủ tục, quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm; công nghệ, thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Có thể khẳng định, với việc Nhà nước đã đưa vào khai thác và đang đầu tư hàng nghìn kilomet đường cao tốc, trong đó đã đầu tư và đưa vào vận hành khai thác các Trung tâm, quản lý điều hành giao thông tuyến, hệ thống trang thiết bị thuộc hệ thống ITS trên đường cao tốc, đến nay, Việt Nam đã bước đầu làm chủ về công nghệ, công tác thiết kế, xây dựng và lắp đặt hệ thống giao thông thông minh trên đường cao tốc; đây sẽ là thời điểm “chín muồi” để hình thành hệ thống giao thông bài bản để quản lý, vận hành và khai thác.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục