Ồn ào, choang choác, cổ khản đặc không ra tiếng thì khoa chân múa tay, mắt đảo như rang lạc, Chí Trung vẫn sung sức như vậy dù là đã qua thời của Đôn sứt đến hơn hai thập kỷ và vóc dáng, cân nặng cũng không còn phù hợp với động tác rất sống động choi choi kiểu "Gyangnam style" liên tục như vậy. Trong vai trò trợ lý đạo diễn phục dựng lại "Lời thề thứ 9" - vở chính kịch 24 năm trước mà anh đã tạo một dấu ấn khó phai trong lòng người hâm mộ với Đôn sứt, Chí Trung chỉ cười khà khà khi có nhiều dấu hỏi nghi ngờ cho sự thành công của vở kịch, kiểu như: Rồi các vị sẽ thấy... Chấp nhận khán giả “vô cảm”- Quyết định phục dựng “Lời thề thứ 9” sau 24 năm, quãng thời gian quá lâu khiến bao người phải e dè. Anh không sợ nó cũ sao?NSƯT Chí Trung: “Lời thề thứ 9” vẫn hay như thuở ban đầu khi tôi cầm kịch bản đóng vai Đôn “sứt” 24 năm trước. Bạn tưởng tượng có những vở, chúng tôi diễn hàng tuần đều như vắt chanh nhưng trước khi lên sân khấu diễn viên vẫn phải thoại lại như thường. Ấy vậy, sau 24 năm từng lời thoại, nhân vật của vở diễn vẫn còn y nguyên trong tiềm thức lớp diễn viên như chúng tôi. Nó phải gần gũi thì họ mới yêu nó như vậy chứ. Tại sao phải loay hoay, săn lùng cái mới khi cái cũ vẫn còn nóng hôi hổi và đầy trăn trở như thế! Kịch bản, vấn đề đã quá cũ nhưng tư tưởng lại không bị lỗi thời. Thậm chí rất mốt. Tình yêu, giàu nghèo, sự vô cảm vẫn hiện hữu, nhức nhối trong đời sống. Thêm một lần nữa “Lời thề thứ 9” cho tôi thấy chân giá trị của trái tim vẫn còn đúng nghĩa. - Anh từng biết đến và nổi danh nhờ vai diễn Đôn “sứt”. Giờ đây trong vị trí trợ lý đạo diễn, để tái tạo một Đôn “sứt” thật mới, sống động hòng “thoát bóng” Chí Trung xưa kia quả không dễ?NSƯT Chí Trung: Có thể nói như thế này, 24 năm trước Chí Trung đã vào vai Đôn “sứt” 320 suất diễn và được khán giả yêu mến. Và lúc này tôi đang dồn hết 320 suất của ngày đó vào cho Đôn “sứt” bây giờ chỉ trong suất đầu tiên. Vì thế, chắc chắn nó sẽ hay hơn mình ngày xưa nhiều lần chứ! Ngày đầu tôi đóng Đôn “sứt” nào được ai chỉ dẫn, bày dạy, bị đạo diễn mắng như tát nước. Chúng tôi phải tự mày mò, loay hoay, bỡ ngỡ. Các em giờ may mắn và cũng lĩnh hội nhanh hơn chúng tôi. - Với nhiều lợi thế như vậy, chả trách anh mạnh miệng tuyên bố “Lời thề thứ 9” sẽ lên án sự vô cảm của con người và xã hội đương thời?NSƯT Chí Trung: Ai nói thế? Bạn nghĩ tôi đã sống và sắp thành một lão già rồi lại còn hoang đường và sung sức vậy sao! Chí Trung xin nhắc lại, phục dựng “Lời thề thứ 9” chúng tôi chỉ muốn khơi gợi tâm thức của mỗi người. Chúng tôi không mong sẽ kêu gọi, lên án lại càng không. Chúng ta hay có thói quen đổ lỗi cho lãnh đạo về sự xuống cấp, bất cập xã hội. Lãnh đạo họ cũng khó khăn lắm! Chính ra đều do ứng xử của chính chúng ta. “Lời thề thứ 9” không đổ lỗi ai sai, mà để mỗi cá nhân tự cởi mở tâm thức, đừng trốn tránh trong vỏ ốc của chính mình vì sự an toàn, thụt lùi của chính chúng ta. - Ngoài Lê Khanh, nhìn lại cả dàn diễn viên “Lời thề thứ 9” đều mới và trẻ hoe thì lấy đâu “bề dày” diễn suất để “chở” thông điệp thức tỉnh sự vô cảm của con người như anh muốn?NSƯT Chí Trung: Bạn thấy đấy, tôi và Lê Khanh đều “thuộc như cháo” vở kịch này. Bằng kinh nghiệm và trải nghiệm, chúng tôi sẽ cố gắng truyền hơi thở và rèn giũa diễn xuất của từng diễn viên. Lời thoại không phải là sự thuộc bài từ đầu ra miệng. Các diễn viên phải có sự đấu tranh, trăn trở để tư duy chảy ngược từ đầu xuống trái tim rồi mới thoát ra cửa miệng.
Tổng duyệt "Lời thề thứ 9" và sẽ ra mắt công chúng ngày 30/11. (Ảnh: Minh Minh/ Vietnam+)
Tôi đã thấu suốt một điều để các em thấm được kịch bản và thông điệp của vở diễn chỉ còn cách tiếp cận từ những vấn đề nóng hổi thời sự hôm nay qua trải nghiệm của chính tôi. Tôi đưa ra một câu chuyện, một nhân vật, một hậu họa, điều luật, đắc cử... Đặt mọi người vào tính công dân. Nhờ thế, các em thấy linh hồn của vở diễn gần gũi với sự tồn tại của chính mình. Tuy nhiên, không loại trừ thông điệp hay, diễn viên xúc cảm nhưng khán giả vẫn vô cảm thì phải chấp nhận. Không có gì là tuyệt đối, trong nghệ thuật đó là điều không tưởng. Tôi là “con buôn”... nghệ thuật- Ngồi dưới hàng ghế khán giả xem buổi tổng duyệt, tôi thấy anh phải “vò đầu bứt tai” vì nhắc nhở diễn viên tăng “bi” giảm “hài”?NSƯT Chí Trung: Tiết chế ghê lắm! Đến khốn khổ thân tôi vì dàn diễn viên “Lời thề thứ 9” đóng Đời cười, Phố cười dữ dội. Ngay vai chủ tịch tỉnh được đóng bởi Đức Khuê hay vai đại đội trưởng cũng là diễn viên hài nổi tiếng của tôi... - Khốn khổ để lấy nước mắt khán giả, anh không sợ “cố quá thành quá cố...?”NSƯT Chí Trung: (Cười to) Nếu khán giả xem “Lời thề thứ 9” khóc sướt mướt ra ngoài, rồi ghế đổ ầm ầm ra về, không đọng lại chút gì cả thì tôi không thiết đâu. Tôi chờ đợi một sự bâng khuâng, thậm chí là lặng lẽ khi họ ra khỏi rạp cơ. Nói ra thật mâu thuẫn nhưng tôi muốn khán giả bỏ tiền mua vé vào xem “Lời thề thứ 9” lúc ra khỏi rạp cảm thấy mình có lỗi. Khóc ư? Lê Khanh có thể làm khán giả khóc ngon lành, nhưng đó chỉ là kỹ xảo. Nhưng để khán giả thấy đắng ngắt thì phải cần đến một sự... thức tỉnh. - Anh chia sẻ trên báo giới “Lời thề thứ 9” dành cho những người tử tế. Có mâu thuẫn không khi số đông người không tử tế mới là khán giả cần thức tỉnh?NSƯT Chí Trung: Tôi không có ý phân vùng khán giả. Sự tử tế nằm trong tâm thức mỗi người. Ai cũng có. Tôi và Bạn đều có thể là người tử tế và không tử tế theo cách chúng ta muốn. “Lời thề thứ 9” sẽ thức tỉnh con người nếu họ muốn tử tế. “Lời thề thứ 9” cũng là sự rèn luyện quân của tôi, làm nghề một cách tử tế. Mâu thuẫn lắm! Đảo điên lắm... Khi tôi nói với diễn viên của tôi, chúng ta bán những điều tử tế, nhưng đừng mong khán giả ồ ại đến rạp, chúng ta sẽ có thu nhập cao. Không phải. Tôi muốn các diễn viên có tiếng nói công dân, có sự tự tôn khi đứng trên sân khấu. Đó điều tôi mong muốn. - Trong nghệ thuật, lại là loại hình sân khấu lòng tự tôn của người nghệ sỹ vốn dĩ là sự xa xỉ. Đúng là anh đang quyết tâm quay lại chính kịch để “giấy rách giữ lấy lề”?NSƯT Chí Trung: Nhiều người hỏi tôi như thế! Hài kịch và bi kịch tôi tôn thờ cả hai. Tôi luôn muốn làm kịch dài nhưng tôi còn có mong muốn tột bậc hơn là nuôi quân. Nuôi tình yêu sân khấu trong họ để phục vụ những yêu cầu thượng vàng, hạ cám của công chúng. Tôi đẻ ra nhiều cái để quân sống được với sân khấu. Hài kịch diễn liên tục, sự kiện rất nhiều. Nếu nói hình tượng thì tôi làm mọi cách để nuôi phần con để chăm tóc, tỉa tót phần người. Nghệ thuật là đa diện. Hài kịch hay chính kịch đều có giá trị riêng. Như Đạo diễn Lê Hùng từng nói “Đỉnh cao của hài là bi, trong bi là hài.” - Người ta nói, nghệ sỹ thường “lơ ngơ” với kinh tế nhưng xem ra anh rất thức thời?NSƯT Chí Trung: Bạn ơi, tôi là con buôn nghệ thuật (cười lớn). Một tác phẩm nó chỉ đến với khán giả khi nó thành sản phẩm. Tôi thà làm một sản phẩm tốt còn hơn tác phẩm tồi. Tác phẩm chỉ trở thành tác phẩm khi nó được cảm thụ. Một vở diễn dù hay đến mấy nhưng không có người xem cũng trở thành tác phẩm tồi. Tôi hiểu rằng, trên sân khấu ánh đèn, tiếng động nhưng người diễn viên không phải ông hoàng bà chúa, nói gì cũng mê hoặc được khán giả. Không nói đúng, nói trúng, nhìn xa trông rộng về thời cuộc và phông văn hóa thì đừng mơ “ăn tiền” và giữ khán giả ngồi trong rạp quá 10 phút. Trải qua thời khốn khó của sân khấu, rạp vắng khán giả, chúng tôi phải làm kịch ngắn vé bán 20 nghìn đồng, mua hai tặng một, đi gõ cửa từng nơi... cũng chỉ là giải pháp tình thế. Thời kỳ đó sẽ chóng qua. Cơm nhà vẫn là chính. Để giữ mọi người không bỏ sân khấu, tôi chấp nhận "giấy rách giữ lấy lề"./.
Minh Minh (Vietnam+)