Với bất kỳ phát kiến khoa học nào, bên cạnh những ý kiến đánh giá cao và mang tính xây dựng, vẫn luôn tồn tại hoài nghi và chỉ trích. Những chỉ trích nếu cảm tính, không dựa trên các sở cứ khoa học và vô tình tạo nên làn sóng đủ mạnh, có thể làm trì trệ cả một quá trình phát triển xã hội.
Trong lịch sử, đã có rất nhiều trường hợp các nhà khoa học chưa kịp tận hưởng niềm vui từ phát kiến của mình đã phải đối diện những lời phán xét và cáo buộc vô căn cứ từ những đối tượng luôn hoài nghi khoa học.
Oái ăm thay, thực tế lại cho thấy nhiều trường hợp với luận điệu cảm tính đã từng chiến thắng khoa học chân chính.
Chẳng hạn như trào lưu bài trừ vắcxin. Vào năm 1998, một bài báo của Andrew Wakefield đăng tải trên tờ The Lancet cho rằng vắcxin sởi có thể gây chứng tự kỷ. Sau các cuộc điều tra kéo dài, thông tin này bị bác bỏ và Andrew Wakefield đã bị tước giấy phép hành nghề bác sỹ. Dù vậy, hậu quả để lại là phong trào bài trừ vắcxin sởi vẫn tiếp tục dậy sóng và được lan truyền khắp mọi nơi.
Hậu quả là trong năm 2015, trên thế giới có khoảng 134.200 người đã chết vì bệnh sởi, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết mọi nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát là do hệ lụy từ phong trào bài trừ vắcxin.
Những người theo phong trào này thường vin vào những trường hợp tai biến sau khi tiêm vắcxin, vốn chỉ mang tính chất cá thể, chiếm chưa đến 1%. Thế nhưng, trào lưu này đến ngày hôm nay vẫn chưa “giảm nhiệt."
Một ví dụ khác, năm 1967, New England Journal Medicine (NEJM) đăng một bài báo về nguy cơ tim mạch, “quy tội” tất cả bệnh tim là do chất béo, trong khi phớt lờ vai trò của chất đường.
Tác giả của bài báo là McGandy RB, Hegsted DM, Stare FJ - ba khoa học gia lẫy lừng của Harvard. Hậu quả là vào thời điểm đó, người dân Mỹ tiêu thụ đường, chất ngọt thoải mái và đương nhiên, tỷ lệ các ca bệnh tim mạch, tiểu đường do thói hảo ngọt này tăng đột biến.
Phải gần 50 năm sau, đến năm 2016, vụ việc mới bị phanh phui. Hóa ra các tác giả này nhận “thù lao” của Hiệp hội đường Hoa Kỳ để viết báo cáo này, bẻ cong sự thật về tác hại của việc ăn ngọt. Họ được trả khoảng 49.000 USD, tính theo thời giá hiện nay.
Khi JAMA Internal Medicine phanh phui sự thật thì cả ba khoa học gia trên đều đã qua đời. Vụ án cuối cùng được đóng lại với rất nhiều tổn thất về nhân mạng từ lý thuyết sai lầm này.
Hay như gần đây, một lập luận cho rằng các trụ trụ phát 5G làm phát tán virus SARS-CoV-2 bất ngờ được lan truyền một cách chóng mặt trên mạng xã hội.
Tờ New York Times đã tìm thấy 487 hội nhóm trên Facebook, 84 tài khoản Instagram, 52 tài khoản Twitter và hàng chục bài đăng, video khẳng định giả thuyết này. Các hội nhóm này còn tổ chức những vụ tấn công ngoài đời thực.
[Ngăn ngừa hệ lụy của thuốc lá thế hệ mới với giới trẻ Việt Nam]
Chỉ trong vỏn vẹn 1 tháng, Chính phủ Anh đã ghi nhận có 77 trụ phát sóng di động bị phá hoại, thậm chí nhiều kẻ cực đoan còn hành hung các kỹ sư vận hành.
Điều tương tự đã xảy ra với ngành công nghiệp thuốc lá. Thế giới kêu gọi các công ty thuốc lá phải chịu trách nhiệm với những gì họ đã và đang gây ra, mặc dù trên thực tế đây là mối quan hệ cung-cầu của bất kỳ lĩnh vực nào.
Thế nhưng, khi ngành công nghiệp thuốc lá công khai các công trình nghiên cứu khoa học và những phát kiến mới có tác dụng giảm thiểu tác hại, họ vẫn tiếp tục bị chỉ trích. Có những ý kiến nghi ngờ rằng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không khói chỉ đơn giản là “thay áo mới” cho các sản phẩm cũ. Và nếu thật sự muốn nâng cao sức khỏe cộng đồng, việc duy nhất nên làm là dừng việc sản xuất thuốc lá từ ngày mai.
Trao đổi về vấn đề này, ông Jacek Olczak, Giám đốc Vận hành (COO) của Tập đoàn Philip Morris International (PMI) cho rằng việc yêu cầu một công ty dừng sản xuất thuốc lá sẽ không giúp tình hình thay đổi. Người hút thuốc lá vẫn sẽ tiếp tục mua thuốc lá từ những nhà sản xuất khác hoặc chuyển qua mua những loại thuốc lá lậu trôi nổi trên thị trường.
Ông Jacek cũng nhấn mạnh rằng giảm thiểu tác hại là một cách tiếp cận được chấp nhận trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống: từ việc giảm lượng muối, đường trong thức ăn và đồ uống đến việc giảm lượng khí thải carbon bằng cách chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông chạy bằng điện. Các giải pháp thay thế tuy vẫn có thể gây ra những rủi ro về sức khỏe hoặc tác động đến môi trường, nhưng những phương pháp dựa trên nền tảng khoa học này vẫn đáng được hoan nghênh nhờ vào tác dụng giảm thiểu tác hại.
Đương nhiên, vẫn có những quốc gia và tổ chức, cá nhân ủng hộ hướng tiếp cận triết lý giảm thiểu tác hại của các công ty thuốc lá. Minh chứng gần nhất là việc FDA công bố sản phẩm IQOS của PMI là Sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ, hoặc “giảm thiểu sự phơi nhiễm” lên cơ thể người dùng với các chất độc hại hoặc tiềm năng gây hại có trong thuốc lá.
Đến nay, những chỉ trích cảm tính và thiếu sở cứ khoa học vẫn tiếp diễn. Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân của việc này là do con người có xu hướng bài xích những phát minh mới một cách đầy cảm tính, chỉ tập trung vào những mặt hạn chế cần đến thời gian để hoàn thiện, mà hoàn toàn thiếu sự khách quan để nhìn vào những gì mà khoa học có thể mang lại ngay thời điểm công bố.
Lịch sử cho thấy những định kiến cá nhân của một số người hoặc một nhóm người sẽ dẫn đến sự hiểu sai về bản chất của khoa học, gây lệch lạc thông tin, tạo ra những trào lưu bài xích gây nguy hại đến xã hội và sức khỏe con người, phong trào bài trừ vắcxin sởi là một ví dụ điển hình.
Nói một cách khác, việc chỉ trích thành quả khoa học thay vì nghiên cứu chúng, chỉ đang làm chậm đi quá trình phát triển của nhân loại./.