Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Thiếu vắng một hệ thống giám sát

Sự thiếu vắng của một hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng được coi là nguyên nhân khiến những hiệu quả và tác động của chính sách này chưa được nhận diện đầy đủ.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Thiếu vắng một hệ thống giám sát ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Với mức chi trung bình 250.000 đồng/ha, những năm gần dây, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã bổ sung thêm thu nhập trung bình từ 1,8-2 triệu đồng/hộ/năm cho gần 349 nghìn hộ gia đình, và hơn 5.700 nhóm hộ, cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ gần 5 triệu ha rừng trên toàn quốc.”

Đánh giá trên vừa được ông Nghiêm Vũ Khải đưa ra tại hội thảo “Đánh giá hiệu quả thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng và sự tham gia của các bên liên quan tại địa phương” do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức ngày 20/11, tại Hà Nội.

Những con số đáng ghi nhận

Theo ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, từ khi triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vào đầu năm 2011, nguồn thu từ chính sách này đã trở thành nguồn tài chính ổn định, với khoảng 1.000 - 1.300 tỷ đồng/năm dành riêng cho các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.

“Nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng đã góp phần giảm chi của ngân sách Nhà nước cho đầu tư lâm nghiệp hàng năm từ 22-25%. Ngoài ra, chính sách này còn hỗ trợ thêm chi phí duy trì hoạt động cho các chủ rừng nhà nước, nhất là các công ty lâm nghiệp trong bối cảnh khai thác rừng tự nhiên đang phải tạm dừng để trồng mới và phát triển,” ông Khải chia sẻ.

Có chung nhận định, bà Nguyễn Hải Vân, cán bộ Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng, chi trả dịch vụ môi trường rừng đóng vai trò thiết yếu trong các nguồn tài chính để đầu tư cho hoạt động quản lý bảo vệ rừng địa phương. Nguồn thu này cũng giúp các địa phương bổ sung thêm một lực lượng lớn tham gia quản lý bảo vệ rừng hiệu quả.

“Đơn cử như tỉnh Quảng Nam, hiện địa phương này đang có hơn 410 nghìn ha rừng cần quản lý bảo vệ, nếu không có dịch vụ môi trường rừng, tỉnh này chỉ có đủ ngân sách phân bổ chi cho quản lý bảo vệ rừng chỉ 30 nghìn ha. Tuy nhiên, nhờ dịch vụ môi trường rừng, hiện nay Quảng Nam đang chi trả cho trên 282 nghìn ha,” bà Vân dẫn chứng.

Thiếu hệ thống giám sát

Bên cạnh những con số đáng ghi nhận về mặt kinh tế hay đóng góp cho sinh kế, thực tiễn chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng cho thấy, chính sách này đã có những tác động đáng kể đến việc hình thành nên cơ cấu, chức năng và mối quan hệ mới từ cấp tỉnh đến cộng đồng thôn bản nhằm đáp ứng cho quá trình thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những thay đổi này có thể sẽ làm tăng cường, hoặc suy giảm vai trò và chức năng vốn có của các bên liên quan; từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới tính minh bạch, công bằng và hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nói riêng và chất lượng quản lý bảo vệ rừng nói chung ở các địa phương.

Ngoài ra, sự thiếu vắng của một hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện và hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng toàn diện, có chiều sâu về cả ba khía cạnh thể chế, môi trường, xã hội cũng được coi là nguyên nhân khiến những hiệu quả và tác động của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng chưa được nhận diện và đánh giá một cách đầy đủ.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Thiếu vắng một hệ thống giám sát ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên nêu thực trạng, hiện nay các tỉnh đánh giá hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng chủ yếu dựa vào độ che phủ rừng và số vụ vi phạm về rừng tăng hay giảm theo báo cáo của cơ quan kiểm lâm, theo diễn biến chung hàng năm của cả tỉnh; không có số liệu cụ thể của địa bàn chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Nghiên cứu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên cũng cho thấy, tại một số địa phương, mặc dù được trả tiền dịch vụ môi trường rừng nhưng có tới 95% người dân trong diện nghiên cứu tại Lào Cai, Quảng Nam, Kon Tum không biết vì sao mình nhận được tiền.

“Cũng tại 3 tỉnh này, mặc dù phần lớn số hộ đều cho biết đã được thông báo và tham gia hoạt động giám sát, nghiệm thu nhưng 85% số hộ được hỏi không biết rằng kết quả đánh giá, nghiệm thu sẽ ảnh hưởng đến số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng mà họ nhận được,” Đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên nói.

Cần đánh giá độc lập

Trước thực tế nêu trên, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng, cần thiết phải đánh giá độc lập hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong đó lựa chọn tư vấn đánh giá độc lập là cá nhân, tổ chức khoa học có uy tín tại các địa phương.

“Về chi phí để thực hiện đánh giá độc lập hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng, các địa phương có thể trích từ 10% phí quản lý quỹ đối với Quỹ bảo vệ phát triển rừng, hoặc 10% chi phí quản lý rừng tổ chức đối với Ban quản lý rừng. Đơn vị có thể tham gia cùng là công ty thủy điện, Ủy ban nhân dân huyện, xã, Hội nông dân, Hội phụ nữ,” ông Dũng gợi ý.

Đồng tình quan điểm trên, ông Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh, chi trả dịch vụ môi trường rừng tại cấp địa phương là cách tiếp cận mới mà Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Tổng cục Lâm nghiệp đang phối hợp thực hiện theo hướng công bằng, minh bạch và bền vững.

“Dù là cơ chế, chính sách ở cấp độ vĩ mô hay vi mô thì chỉ khi nào đảm bảo người dân sống được với nghề rừng thì họ mới là người gắn bó, bảo vệ và phát triển rừng,” ông Khải nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp như thúc đẩy mô hình đồng quản lý trong hệ thống rừng đặc dụng, hợp tác công tư để triển khai hiệu quả kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, phải có hệ thống gồm dân, chủ rừng, kiểm lâm tham gia giám sát đánh giá kết quả thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục