Chí sỹ Nguyễn Văn Tố - nhà lãnh đạo, học giả uyên bác của Việt Nam

Tấm gương sáng về trí tuệ, lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm không lùi bước trước thách thức và hy sinh của cụ Nguyễn Văn Tố là di sản văn hóa tinh thần quý báu.
Quang cảnh Hội thảo cấp quốc gia ''Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam.'' (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Không chỉ là nhà lãnh đạo kiệt xuất, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân, cụ Nguyễn Văn Tố còn là một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực. Cuộc đời, sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam noi theo.

Người con ưu tú của Thủ đô

Cụ Nguyễn Văn Tố (bút hiệu Ứng Hòe), sinh ngày 5/6/1889 trong một gia đình nhà nho, thuộc làng Đông Thành, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đây được coi là vùng đất kinh kỳ “địa linh, nhân kiệt," giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, nơi hội tụ khí thiêng sông núi, nơi kết tinh, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc với lịch sử nghìn năm văn hiến.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, thành phố Hà Nội tự hào là quê hương của chí sỹ yêu nước, nhà văn hóa, liệt sỹ Anh hùng Nguyễn Văn Tố. Tấm gương sáng về trí tuệ, lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm không lùi bước trước thách thức và hy sinh của cụ là di sản văn hóa tinh thần quý báu. Đảng bộ, nhân dân Thủ đô luôn tự hào, khắc ghi, biết ơn, nguyện học tập và làm theo tấm gương trong sáng, cao đẹp trong công cuộc mở mang văn hóa và kiến thiết nước nhà của cụ.

Trên cơ sở những thành tựu đạt được, phát huy kiến thức về lịch sử, văn hóa dân tộc của chí sỹ yêu nước Nguyễn Văn Tố cùng những bậc tiền bối cách mạng khác, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đẩy mạnh thực hiện mục tiêu xây dựng văn hóa Thủ đô tập trung vào các nội dung: Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện. Phấn đấu xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu cho cả nước về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa.

Noi gương cụ Nguyễn Văn Tố, lãnh đạo thành phố Hà Nội xác định luôn phát huy vai trò và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và mỗi gia đình trong việc xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh; đồng thời phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật trên nền tảng kế thừa truyền thống nghìn năm văn hiến, phù hợp với bối cảnh văn hóa, con người Thủ đô trong tình hình mới.

Đặc biệt, những năm qua, thành phố Hà Nội đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa," duy trì hiệu quả việc tuyên dương danh hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô” và “Công dân Thủ đô ưu tú;" từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội của thành phố; ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

"Những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã tạo nên sức sống mãnh liệt, giúp dân tộc ta vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển đi lên, trong đó có công lao đóng góp to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố," bà Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên

Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, cụ Nguyễn Văn Tố đã được cử tri tỉnh Nam Định bầu làm đại biểu Quốc hội. Ngày 2/3/1946, Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 1 đã họp tại Nhà hát lớn, thành phố Hà Nội, cụ Nguyễn Văn Tố được bầu giữ chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, chức vụ tương đương với Chủ tịch Quốc hội sau này. Quyền hạn của Ban Thường trực Quốc hội vào lúc đó được Quốc hội định ra rất quan trọng, như góp ý kiến với Chính phủ; phê bình Chính phủ; triệu tập Quốc hội trong những trường hợp nhất định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, tuy thời gian chỉ hơn tám tháng, nhưng cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng với tập thể Ban Thường trực Quốc hội có nhiều đóng góp với cách mạng Việt Nam nói chung và với Quốc hội Việt Nam nói riêng, đặt nền móng cho tổ chức và hoạt động của mô hình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau này.

Về công tác lập hiến, lập pháp, Ban Thường trực Quốc hội dưới sự lãnh đạo của cụ đã cho ý kiến vào nhiều dự án quan trọng trình Quốc hội như Dự án Luật Lao động, Dự thảo Hiến pháp. Đặc biệt, bản Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông, được thông qua với sự nhất trí gần như tuyệt đối. Bản Hiến pháp đã góp phần tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do...

[Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam"]

Về công tác đối ngoại, cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng Ban Thường trực Quốc hội, Chính phủ thi hành nhiều phương sách thích hợp để cho nhân dân thế giới biết và ủng hộ về khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc Việt Nam. Điển hình là việc Ban Thường trực Quốc hội đã cử một phái đoàn của Quốc hội Việt Nam sang thăm Cộng hòa Pháp vào năm 1946; cùng với Chính phủ thông qua chủ trương ký Hiệp định sơ bộ để giảng hòa với Pháp nhằm giành được giây phút nghỉ ngơi để sửa soạn cuộc chiến đấu mới...

Với vai trò là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, cụ đã điều hành những phiên họp quan trọng của Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 1 vào tháng 11/1946 với sự nghiêm túc và tinh thần dân chủ cao độ trong Quốc hội. Tại phiên chất vấn đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội Việt Nam, cụ cũng đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội trong đó có vấn đề liên quan đến quốc kỳ, được nhiều người dân quan tâm.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia ''Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam''. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để thống nhất lực lượng của dân tộc, phải tập trung quyền lực vào một cơ quan điều hành quốc gia mạnh mẽ. Bên cạnh Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội có quyền hạn góp ý với Chính phủ, phê bình Chính phủ nếu làm trái lợi ích của Quốc gia và dân tộc. Trong tình thế đặc biệt của nước nhà, nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại quan trọng vẫn phải được thống nhất và giải quyết nhanh chóng nên trong nhiều phiên họp thường kỳ hoặc đặc biệt của Hội đồng Chính phủ đều có sự tham dự và góp ý của cụ Nguyễn Văn Tố với tư cách Trưởng Ban Thường trực Quốc hội.

"Hoạt động của Quốc hội trong thời gian cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng dân tộc và nhân dân cả nước, đã đưa ra được những quyết sách lớn vì nước, vì dân," Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Có công rất lớn trong công tác cứu đói

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, cụ Nguyễn Văn Tố có công rất lớn trong công tác cứu đói sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Trên cương vị là người đứng đầu Bộ Cứu tế xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã thực hiện nhiều chuyến “vi hành” đến các địa phương Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định chỉ đạo thành lập Hội Cứu đói. Ban đầu, Hội được thành lập ở một số tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, sau đó nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Từ các làng, xã, thôn, bản đến các xí nghiệp sản xuất, các cơ quan đều thành lập các hội lớn, nhỏ để vận động đồng bào đóng góp lương thực ủng hộ người nghèo. Các biện pháp ông đưa ra đã khơi dậy truyền thống yêu nước, nhân ái, đồng cam cộng khổ, đoàn kết đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của toàn dân tộc trong hoàn cảnh hiểm nghèo.

Ngoài việc thành lập Hội Cứu đói, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố còn trực tiếp kêu gọi các địa phương hưởng ứng lời kêu gọi tương thân, tương ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện các biện pháp như “Hũ gạo tiết kiệm” và “những ngày đồng tâm nhịn ăn” kêu gọi đồng bào chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vận động các nhà tư sản, địa chủ bỏ tiền của, thóc gạo cứu đói cũng được chú trọng. Với sự đồng lòng của nhân dân khắp nơi trên cả nước cùng nhau đánh đuổi giặc đói, đến cuối năm 1946 nạn đói đã gần được giải quyết.

Nguyễn Văn Tố là nhà yêu nước, nhà cách mạng, người chiến sỹ kiên trung của của cách mạng Việt Nam. Ở bất kỳ cương vị nào, cụ cũng đều trung thành, tận tụy, hết lòng vì dân, vì nước, cống hiến hết tài năng và sức lực của mình. Với tư cách là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Cứu tế xã hội, tuy thời gian không dài, nhưng cụ đã có những đóng góp quan trọng vào việc củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng ngày đầu thành lập, đẩy lùi nạn đói lịch sử, cổ vũ tinh thần cách mạng của nhân dân, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

"Hình ảnh một vị Bộ trưởng giản dị, xông xáo, nhân hậu, lăn lộn cùng dân vận động thành lập Hội Cứu đói cùng Chính phủ và toàn dân bảo vệ thành quả cách mạng trong những năm 1945-1946 sống mãi cùng lịch sử dân tộc Việt Nam," Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục