Chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng lên mức cao nhất trong 1 tháng

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng lên mức cao nhất trong 1 tháng, trong bối cảnh thị trường kỳ vọng vào một chính sách "mềm mỏng" từ Fed và nhà đầu tư lạc quan về việc Trung Quốc mở cửa trở lại.
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tuần qua ghi nhận chứng khoán Phố Wall nối dài đà tăng điểm, với chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng lên mức cao nhất trong 1 tháng, trong bối cảnh thị trường kỳ vọng vào một chính sách "mềm mỏng" từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhà đầu tư lạc quan về việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

Điểm sáng của thị trường là báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 12/2022 giảm 0,1% so với tháng trước đó và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021. CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,3% so với tháng trước đó và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà phân tích Patrick O'Hare của trang phân tích thị trường chứng khoán Briefing.com (Mỹ) cho biết cho đến nay xu hướng tăng điểm trên thị trường chứng khoán đang lan nhanh nhờ quan điểm chung cho rằng hoạt động kinh tế suy yếu và lạm phát giảm dần sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách của Fed nhận ra họ không cần phải tăng lãi suất thêm nữa.

Stephen Innes, đối tác quản lý tại công ty quản lý tài sản SPI Asset Management có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho biết nhiều nhà đầu tư bắt đầu tin rằng việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể nhanh hơn do nhu cầu bị dồn nén, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và ít hạn chế về nguồn cung hơn.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với lĩnh vực công nghệ và nhiều biện pháp để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đã làm tăng hy vọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, vốn được coi là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.

Mở cửa phiên cuối tuần (13/1), các chỉ số chính trên thị trường giảm điểm nhẹ sau khi hàng loạt ngân hàng Mỹ công bố báo cáo kinh doanh trái chiều, tuy nhiên, tâm lý tích cực lan tỏa và kéo các chỉ số tăng vào cuối phiên nhờ số liệu kinh tế Đức tốt hơn kỳ vọng.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 112,64 điểm, tương đương 0,33%, lên 34.302,61 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,92 điểm, tương đương 0,40%, lên 3.999,09 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đóng cửa phiên tăng 78,05 điểm, tương đương 0,71%, lên 11.079,16 điểm.

Đáng chú ý, S&P 500 đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 13/12/2022, trong khi Nasdaq đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 14/12/2022.

[Chứng khoán châu Á hầu hết đi lên trong phiên cuối tuần 13/1]

Tính chung cả tuần, S&P 500 tăng 2,7% và Dow Jones tăng 2%. Riêng Nasdaq tăng 4,8% và ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ ngày 11/11/2022.

Lợi nhuận của ngân hàng đầu tư JPMorgan Chase và ngân hàng Bank of America (BoA) vượt ước tính trước đó song ngân hàng Wells Fargo và Citigroup lại không đạt được kỳ vọng. Dù vậy, cổ phiếu của cả bốn công ty đều tăng. Các nhà quan sát chỉ ra rằng, các ngân hàng lớn nhất của Phố Wall đã trích lập dự phòng nhiều hơn để chuẩn bị cho một cuộc suy thoái có thể xảy ra, với kết quả hoạt động ngân hàng đầu tư yếu trong khi họ cũng tỏ ra thận trọng về dự báo tăng trưởng lợi nhuận.

Theo dữ liệu của công ty phân tích dữ liệu tài chính Refinitiv (Anh), lợi nhuận hàng năm của các công ty thuộc S&P 500 dự kiến sẽ giảm 2,2% trong quý 4/2022.

Nhà phân tích Patrick O'Hare giải thích, mặc dù báo cáo kết quả hoạt động của JPMorgan Chase và ngân hàng lớn khác cho thấy nguy cơ nền kinh tế có thể suy thoái nhẹ trong năm nay, song đây lại là cơ hội để mua vào cổ phiếu. Nhà đầu tư dường như "tự tin" rằng kinh tế Mỹ sẽ không "hạ cánh cứng."

Góp phần tiếp sức cho đà tăng của thị trường, cuộc khảo sát của Đại học Michigan cho thấy sự cải thiện trong tâm lý người tiêu dùng Mỹ, với triển vọng lạm phát tháng 1/2023 sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ mùa Xuân năm 2021.

Chỉ số giá tiêu dùng và các dữ liệu gần đây đã củng cố kỳ vọng rằng xu hướng lạm phát giảm có thể tạo điều kiện cho Fed tăng lãi suất chậm hơn. Khảo sát thị trường cho thấy 91,6% người được hỏi dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tháng sau.

Trong khi đó, dữ liệu của chính phủ cho thấy nền kinh tế Đức đã tăng trưởng tốt hơn dự kiến, đạt 1,9% trong năm 2022 khi các biện pháp cứu trợ của chính phủ giúp nền kinh tế đầu tàu của châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột của Nga-Ukraine gây ra.

Các nhà phân tích và chính phủ đã dự đoán rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, nhưng số liệu GDP - và một loạt chỉ số gần đây, cho thấy nền kinh tế này có thể tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết: "Thông qua các hành động quyết đoán trong năm qua, chúng tôi đã kiểm soát được cuộc khủng hoảng"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục