Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp hai tháng đầu năm giảm 6,3%

Do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn và biến động khó lường, tính chung hai tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Logitex, Cụm công nghiệp Vũ Ninh, huyện Kiến Xương (Thái Bình). (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Tổng cục Thống kê vừa cho biết chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 2/2023 ước tính tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành khai khoáng tăng 7%; ngành chế biến, chế tạo tăng 3,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6%.

Tuy nhiên, tính chung hai tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6%) do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.

Ngành khai khoáng giảm 3,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,1%), làm giảm 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo giảm 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%), làm giảm 5,3 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,2% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Theo Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành trọng điểm giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, gồm: sản xuất thiết bị điện giảm 50,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 13,6%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 13%; sản xuất kim loại giảm 12,2%; sản xuất trang phục giảm 11,7%...

Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành tăng so với cùng kỳ năm trước, gồm: sản xuất đồ uống tăng 32,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 20%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 6,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 6,1%...

[Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Một năm 2023 giảm 8%]

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra hai tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp so với cùng kỳ năm trước tăng ở 44 địa phương và giảm ở 19 địa phương trên cả nước.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/2/2023 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cảnh báo rằng các khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng cả từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế. Cùng với đó, sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô đang ngày càng tăng cao.

Để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2023, theo Bộ Công Thương, Bộ sẽ triển khai tích cực Đề án tái cơ cấu ngành công thương. Trên cơ sở đó, phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Do đó, bộ ngành đang thực hiện xây dựng và soạn thảo dự thảo Luật Phát triển công nghiệp của Việt Nam để tạo môi trường hấp dẫn, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển ngành này.

Ông Trương Thanh Hoài cũng cho biết trong Luật Phát triển công nghiệp của Việt Nam thì đối tượng chính được xác định là doanh nghiệp và cơ chế chính sách thúc đẩy những doanh nghiệp đầu tàu Việt Nam tự chủ và từng bước lan tỏa ra cộng đồng doanh nghiệp.

Trên cơ sở này, hình thành hệ sinh thái, chuỗi liên kết ngành, tăng giá trị gia tăng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với doanh nghiệp đầu tàu giữ vai trò dẫn dắt hoặc đầu mối trung gian.

Cùng với đó, Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; đồng thời, rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm.

Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục