Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Hai của Bắc Ninh giảm mạnh

Chỉ số IIP của Bắc Ninh giảm chủ yếu do ngành sản xuất sản phẩm điện tử giảm tới 19,27%, trong khi lượng hàng tồn kho nhiều, nhu cầu thị trường nước ngoài thấp dẫn đến lượng tiêu thụ chững lại.
Dây chuyền kiểm tra bảng mạch điện tử tại một doanh nghiệp của Hàn Quốc tại khu công nghiệp Yên Phong. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Từ đầu năm 2023, nhu cầu của thế giới vẫn ở mức thấp khiến đơn hàng sản xuất cùng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đều giảm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hai tháng đầu năm của cả nước ước tính giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh chung đó, ngành công nghiệp của Bắc Ninh cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Trong tháng Hai, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp giảm 15,6%, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 15,75%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 19,17%; ngành công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,5%.

Chỉ số IIP tháng 2 giảm chủ yếu là do ngành sản xuất sản phẩm điện tử giảm nhiều, tới 19,27%; sản xuất không đạt được như kỳ vọng do lượng hàng tồn kho nhiều, nhu cầu thị trường nước ngoài thấp, dẫn đến sản lượng tiêu thụ có dấu hiệu chững lại.

So với cùng kỳ năm trước, IIP toàn ngành công nghiệp giảm 13,17% (là tháng thứ 6 liên tiếp bị giảm). Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, có 11/20 ngành cấp 2 có chỉ số giảm, trong đó các ngành giảm nhiều như sản xuất trang phục; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất thiết bị điện; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất.

Riêng ngành sản xuất sản phẩm điện tử, ngành trọng điểm, giảm 14,81% đã tác động trực tiếp đến chỉ số sản xuất công nghiệp chung của tỉnh.

[Bắc Ninh đứng thứ 4 cả nước về thu hút FDI trong tháng 1]

Ở chiều ngược lại, có 9/20 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số tăng như sản xuất đồ uống; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác.

Tính chung hai tháng đầu năm 2023, IIP toàn tỉnh giảm 9,05% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 9,12%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 1,98% và ngành công nghiệp cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,74%. Đây là mức giảm sau 3 năm liên tiếp đạt mức tăng, đồng thời cũng là mức giảm khá nhiều so với mức giảm năm 2019, giảm 2,02%.

Sản phẩm công nghiệp suy giảm do nhu cầu yếu ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Do đó, sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp trọng điểm của tỉnh sản xuất sản phẩm điện tử bị suy giảm.

Công nhân lao động làm việc tại Công ty TNHH Deli Việt Nam, Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

So với tháng trước, có 3/23 sản phẩm chủ yếu có mức giảm, trong đó có 2/6 sản phẩm trọng điểm của tỉnh giảm, đó là điện thoại thông minh giảm 33,6%; linh kiện điện tử giảm 29,1% và 1 sản phẩm trọng điểm giữ nguyên sản lượng sản xuất.

Còn lại, có đến 19/23 sản phẩm đạt mức tăng, trong đó có 3/6 sản phẩm trọng điểm tăng là máy in tăng 28,9%; đồng hồ thông minh tăng 17,8% và pin điện thoại các loại tăng 22,1%.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ có 9/23 sản phẩm chủ yếu đạt mức tăng, một số sản phẩm tăng cao là sản phẩm tủ bằng gỗ (trừ tủ bếp) tăng 116,7%; bêtông tươi tăng 109,8%; dược phẩm có chứa vitamin tăng 48,3%,... Còn lại 14/23 sản phẩm có mức giảm, trong đó 100% các sản phẩm trọng điểm của tỉnh giảm.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong 2 tháng qua, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước tiếp tục phát huy. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Chương trình hành động số 18/CTr-UBND; đồng thời khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng và tiến độ đã được đề ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục