Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng nhẹ 0,3% so với tháng trước

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 ước tăng 0,3% so với tháng 10. Tính chung 11 tháng của năm, chỉ số này đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng nhẹ 0,3% so với tháng trước ảnh 1Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng so với cùng kỳ năm trước ghi nhận có sự tăng trưởng ở 61/63 địa phương. (Ảnh: TTXVN)

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 chỉ "nhích" nhẹ 0,3% so với tháng 10 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 11 tháng của năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái (có mức tăng 4,2%). Trong đó, ngành chế biến-chế tạo tăng 8,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,4%) và đóng góp 6,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

[CPI tháng 11 thêm 0,39%: Do giá xăng dầu và chi phí thuê nhà tăng]

Bên cạnh đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,1%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm và ngành khai khoáng tăng 6,5%, đóng góp 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng so với cùng kỳ năm trước ghi nhận có sự tăng trưởng ở 61 địa phương và chỉ có hai địa phương giảm là Trà Vinh giảm 24% và Hà Tĩnh giảm 16,9%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng nhẹ 0,3% so với tháng trước ảnh 2(Nguồn: TCTK)

Trên cơ sở đó, lực lượng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/11 chỉ tăng nhẹ 0,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 5,9% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Điều tra gần đây của Tổng cục Thống kê về tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh từ 6.500 doanh nghiệp cũng chỉ ra tình trạng khó khăn chung, cụ thể đơn đặt hàng mới (bao gồm cả đơn đặt hàng xuất khẩu) có dấu hiệu giảm và dẫn đến tồn kho thành phẩm tăng. Việc khối lượng sản xuất giảm dẫn đến hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị ảnh hưởng.

Báo cáo điều tra ghi nhận có 26% doanh nghiệp cho biết đơn đặt hàng mới giảm sút, 28% đánh giá đơn đặt hàng xuất khẩu mới đi xuống, 21% doanh nghiệp dự báo tồn kho thành phẩm tăng và 25,6% doanh nghiệp dự kiến khối lượng sản xuất giảm, theo đó tỷ lệ sử dụng công suất sử dụng máy móc thiết bị xuống còn 71,7%.

Mặc khác, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết đang rất khó khăn tìm kiếm nguồn cung đầu vào do thị trường trong nước và quốc tế thường trực trong tình trạng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục