Số liệu chính thức do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố cho thấy hoạt động chế tạo trong tháng 7/2015 của nước này tiếp tục tăng chậm lại. Đây là dấu hiệu yếu kém đầu tiên của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong nửa cuối năm 2015.
Cụ thể, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc trong tháng 7/2015 ở mức 50 điểm, giảm nhẹ so với mức 50,2 điểm của tháng trước đó. Chỉ số này được xem là thước đo để đánh giá sức khỏe nền kinh tế đứng đầu khu vực châu Á.
Các chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng ANZ nhận định PMI sụt giảm cho thấy lĩnh vực chế tạo vẫn còn yếu kém, qua đó, họ dự đoán rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng tín dụng trong sáu tháng cuối năm để thúc đẩy đà tăng trưởng.
Tuy vậy, số liệu do NBS đưa ra tốt hơn so với báo cáo sơ bộ do hãng Caixin công bố trước đó. Theo khảo sát của Caixin, PMI trong tháng 7/2015 giảm xuống mức thấp nhất của 15 tháng là 48,2 điểm.
Hồi tháng Sáu, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo hạ lãi suất cho vay lần thứ tư kể từ tháng 11 năm ngoái, và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ ba trong năm nay đối với các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra các biện pháp như nới lỏng các chính sách thế chấp nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản.
Ngoài ra, sự trượt dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng khiến nhiều người lo ngại về triển vọng tăng trưởng của nước này.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 7,7% năm 2013 và giảm xuống còn 7,4% năm 2014, mức thấp nhất kể từ năm 1990. Nước này đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2015 ở mức 7%, mức thấp nhất trong 25 năm qua./.